Né trách nhiệm

29/03/2017 05:54 GMT+7

Khi được hỏi về việc xử lý đối với các xe ô tô do doanh nghiệp biếu tặng thành phố mà dư luận đã lên tiếng trong suốt thời gian vừa qua, đại diện Sở Tài chính Đà Nẵng, tại phiên họp báo hôm 27.3, nói rằng: Đà Nẵng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và rằng thành phố chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để tiếp tục xử lý vụ việc.
Ô hay, lúc nhận và sử dụng xe biếu tặng của doanh nghiệp, trái với Quyết định 64/2007/TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế việc tặng quà, nhận quà và nộp lại quà thì TP.Đà Nẵng (cũng như các địa phương khác) có hỏi Thủ tướng đâu, sao giờ khi dư luận phát hiện thì lại phải chờ ý kiến Thủ tướng mới xử lý được?
Sự thực mà nói, từ trước đến nay, có quá nhiều chuyện kiểu như thế này, từ chuyện chặt cây xanh, đến khởi tố chủ quán cà phê hay việc cá chết trên một đoạn sông, thậm chí cả một đám cháy... đều được báo cáo lên Thủ tướng hay phải chờ chỉ đạo của Thủ tướng mới được giải quyết. Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã phân cấp, phân quyền rõ ràng. Pháp luật chuyên ngành cũng quy định rõ, thẩm quyền cấp nào cấp đó phải giải quyết. Tại sao vẫn cứ đùn đẩy lên Chính phủ, lên Thủ tướng?
Tâm lý “báo cáo”, đẩy trách nhiệm lên cấp trên để tránh không mang tiếng với cá nhân, tổ chức bị xử lý là có thật. Còn nhớ, hồi năm 2009, chính quyền Hà Nội khi đó cấp phép cho một khách sạn xây dựng trên khoảng 9.000 m2 đất công viên Thống Nhất, bất chấp các quy định về quy hoạch, quy chuẩn đất công cộng... Khi dư luận lên tiếng không đồng tình, Hà Nội thay vì tự mình phải đàm phán với nhà đầu tư, thu hồi quyết định thì lại cũng “báo cáo Thủ tướng”. Khi Thủ tướng yêu cầu dừng dự án, thì chủ đầu tư (một công ty Singapore) đã công bố một báo cáo đánh giá cho rằng họ bị thiệt hại tới gần 80 triệu USD (?).
Có lẽ cần phải dứt khoát xóa bỏ tình trạng trót lọt thì thụ hưởng, còn vướng mắc, xương xẩu thì kính trình, kính chuyển vượt cấp hoặc vin vào thông lệ “báo cáo” để chuyển quả bóng trách nhiệm lên Thủ tướng.
Tinh thần nhất quán, được thể hiện trong các phiên họp Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng như của Tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ đạo tại các bộ trong suốt thời gian qua là quyết tâm phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và thị trường để hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho. Việc gì của bộ, ngành, địa phương thì bộ, ngành, địa phương làm, không đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng.
Nhưng muốn làm được việc này, quan trọng nhất là Chính phủ cần quy được trách nhiệm các đầu mối, nhất là người đứng đầu, không để tình trạng làm lãnh đạo mà không dám quyết, không dám chịu trách nhiệm... Còn nếu đùn đẩy “báo cáo Thủ tướng quyết” vì chuyện “há miệng mắc quai” với đối tác thì càng cần phải làm rõ, công khai để bảo vệ uy tín của chính quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.