Nghèo nhưng không hèn

27/05/2016 05:42 GMT+7

Giàu - sang, nghèo - hèn, cặp phạm trù ấy hình như luôn đúng với mọi thời. Những công dân Âu - Mỹ mà chúng ta gặp trên đường phố, phần đông ở họ luôn toát lên cái gì đó sang trọng, quý phái, ngay cả khi họ đi xe đạp hoặc cuốc bộ.

Có được phong thái ấy, trước hết, vì họ được sinh ra trong một nước giàu và được giáo dục nhân cách từ khi bước vào trường mẫu giáo. Tuy nhiên, nếu bạn sinh ra trong một quốc gia nghèo khó thì tất phải hèn? Câu trả lời là “Không”. Nghèo, chắc chắn sẽ không có tiền mua xe hơi, ở nhà lầu, mặc đồ hàng hiệu, bước vào các nhà hàng sang trọng... nhưng người giàu vẫn tôn trọng và kính nể nếu bạn có một phong cách “đối nhân xử thế” chuẩn mực và nhất là luôn tôn trọng luật pháp. Sang hay hèn chính là ở điểm này. Còn nếu lái xe tiền tỉ mà bóp còi vô tội vạ hoặc cố tình vượt đèn đỏ thì từ sang chuyển thành hèn ngay tức thì.
Cách đây vài năm, khi du lịch sang Thái Lan, đoàn nhà báo chúng tôi được xếp ở chung khách sạn với người Trung Quốc. Lúc đầu không để ý, nhưng sau hỏi ra mới biết khách sạn ấy chỉ toàn du khách Trung Quốc và VN vì 2 nhóm khách du lịch này có nhiều “điểm chung” trong sinh hoạt: ăn nói ồn ào, ăn uống bừa bãi, ăn ở mất vệ sinh. Không riêng gì Thái Lan, có phi trường quốc tế bên nước Úc thời gian gần đây cũng bắt đầu phát loa bằng 3 thứ tiếng: Anh, Hoa, Việt. Trong đó riêng tiếng Việt và Hoa là nhằm nhắc nhở chuyện… xếp hàng trật tự và giữ vệ sinh chung. Nếu là người Việt tử tế mà lại nghe những điều nhắc nhở muối mặt ấy, bạn nghĩ gì? Ở nước ngoài là vậy, nhìn lại trong nước thấy còn bi đát hơn.
Một trong những nỗi ám ảnh của người nước ngoài khi đến VN chính là sự hỗn loạn trong giao thông đường bộ, kể cả trên đường cao tốc - vốn được xem là những cung đường chuẩn mực. Nỗi ám ảnh và sự hồi hộp “đứng tim” ấy xuất phát từ việc nhìn thấy tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên đường phố, nhất là chuyện vượt đèn đỏ. Ở các nước phát triển, ngoài xe công vụ, thì chỉ có 2 đối tượng “dám” vượt đèn đỏ: một là kẻ cướp bị cảnh sát truy đuổi; hai là những người chán đời muốn... tự tử. Ấy vậy mà ở VN, chuyện “muốn tự tử” diễn ra đến mức phổ biến, bất chấp luật lệ, càng về khuya vượt đèn đỏ càng dữ, thử hỏi ai mà không sợ. Nếp ăn nếp ở của chúng ta còn bị “điểm trừ” trong mắt thiên hạ bởi đi đâu cũng thấy những dòng chữ: cấm đổ rác, cấm đái bậy, cấm dán giấy, cấm tụ tập buôn bán... Đúng là đất nước chúng ta còn nghèo, nhưng nghèo mà sang chứ không hèn là tiêu chí cần phải đạt đến.
Lấy ví dụ chuyến viếng thăm VN của Tổng thống Mỹ Barack Obama mới đây nếu loại bỏ yếu tố chính trị trong chuyến viếng thăm, thì rõ ràng chúng ta đã được “điểm cộng” về yếu tố tình người trong cái nhìn của người Mỹ. Chúng ta còn nghèo, tổng thu nhập hằng năm của cả nước còn chưa bằng 1 tiểu bang của nước Mỹ, nhưng cách chúng ta đón, giao lưu và tiễn đưa phái đoàn của tổng thống Mỹ rõ ràng tuy vô cùng hào hứng, nhiều màu sắc nhưng trật tự và chuẩn mực, không quá trớn. Nghèo nhưng không hèn chính là chỗ đó.
Ngành du lịch vừa thực hiện chủ trương “cải thiện hình ảnh du khách VN khi ra nước ngoài” rất đáng quan tâm. Song, nếu chúng ta cải thiện, chấn chỉnh hình ảnh của chính mình ngay trong nước có lẽ cũng quan trọng không kém, dẫu biết rằng phải mất rất nhiều thời gian. Hãy chứng minh cho thế giới thấy rằng, tuy VN chưa giàu nhưng phong cách rất sang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.