Nhanh và chậm

14/03/2012 03:03 GMT+7

Đều liên quan mật thiết đến đời sống người dân nhưng các quyết định khiến họ bị áp lực, khó khăn lại được quyết rất nhanh; trong khi vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng cũng như thể hiện sự chia sẻ lại bị kéo dài một cách khó hiểu.

Đều liên quan mật thiết đến đời sống người dân nhưng các quyết định khiến họ bị áp lực, khó khăn lại được quyết rất nhanh; trong khi vấn đề liên quan đến quyền lợi chính đáng cũng như thể hiện sự chia sẻ lại bị kéo dài một cách khó hiểu.

Đầu tiên là gas. Chỉ trong khoảng 2 tháng đầu năm giá gas đã được điều chỉnh tăng tới 4 lần.

Dù đã giảm 1 lần sau đó nhưng tổng cộng, gas đã tăng hơn 100.000 đồng/bình 12 kg so với cuối năm 2011. "Nửa triệu một bình gas" là sự thảng thốt, giật mình của rất nhiều bà nội trợ trong bối cảnh giá cả vẫn đang ở mức rất cao hiện nay. Đến đầu tháng 2, quyết định tăng giá hơn 400 dịch vụ y tế chính thức được chấp thuận.

Với mức tăng trung bình từ 30 - 50%, gần 40% dân số là những người chưa có bảo hiểm y tế sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ khi quyết định này có hiệu lực. Sang tháng 3, chưa kịp vui với tin CPI có tín hiệu tích cực thì xăng chính thức được điều chỉnh. Với mức tăng thêm lên tới 2.100 đồng/lít, mức cao nhất từ trước tới nay đã gây sốc cho nhiều người.

Chỉ vài ngày sau khi xăng tăng giá, cước vận tải lập tức "lên tiếng" đòi quyền lợi. Taxi đi "tiên phong" với mức tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/km, tương đương với mức tăng từ khoảng 10 - 30% so với giá hiện tại. Đó mới chỉ là những cái tăng "nhìn" thấy được do phải đăng ký giá và phải được "duyệt". Còn rất nhiều các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm nhân cơ hội này tăng theo là không thể kể hết. Việc tăng giá dồn dập khiến cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn.

Chưa bàn tới nguyên nhân cũng như mức tăng có hợp lý hay không nhưng có thể nhận thấy rất rõ, việc tăng giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu nói trên được quyết định rất quyết đoán, rất nhanh, với mức tăng rất cao. Ngược lại hoàn toàn với sự chậm trễ trong việc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân cho phù hợp với thực tiễn, tạo công bằng cho người nộp thuế và cũng là để giảm áp lực cho bữa cơm của mỗi gia đình.

Chúng ta đều biết, sửa đổi các ngưỡng thuế được đưa ra từ năm trước, khi luật thuế trở nên quá lạc hậu so với lạm phát, giá cả và mức lương cơ bản. Nhưng bàn tới, bàn lui đến đầu tháng 3 này, dự thảo mới được đưa ra.

Cũng không bàn tới sự bất hợp lý của các ngưỡng thuế trong dự thảo đang gây bức xúc cho tất cả mọi người, chỉ riêng mốc thời gian dự kiến áp dụng là năm 2014 thêm một lần nữa cho thấy sự chậm trễ của những người làm chính sách.

Lạm phát cao đã kéo dài liên tục 5 năm, khó khăn, áp lực đã, đang đè nặng lên cuộc sống người dân, không có lý do gì để biện minh cho việc soạn thảo cả năm trời và đợi thêm 2 năm nữa mới thực hiện của một chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người dân. Nhất là khi sự điều chỉnh, trên thực tế chỉ mang tính kỹ thuật (tăng - giảm ngưỡng thuế) và cũng đã được nhiều chuyên gia trong ngành khẳng định, có thể thực hiện sớm hơn.

Nếu chỉ ngồi mà "đi chợ" qua thông báo của người giúp việc, rất khó để hiểu, bớt được vài chục, vài trăm ngàn đồng thuế thu nhập cá nhân quan trọng biết nhường nào với nhiều gia đình. Cũng không khó để nhận ra, những vấn đề liên quan đến lợi nhuận của một số ngành được giải quyết nhanh hơn nồi cơm của người dân.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.