Những ĐTM bí mật

22/07/2017 05:53 GMT+7

Giấy phép mà Bộ TN-MT cấp cho phép Công ty điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm vật chất xuống biển Vĩnh Tân (Bình Thuận) khó có thể nói có giá trị khi 3 trong số những nhà khoa học phủ nhận việc tham gia khảo sát và đồng ý với việc này.

Để được cấp phép, các dự án này phải thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). ĐTM được coi là công cụ quản lý môi trường quan trọng, là cơ sở để quyết định việc cấp phép hay không cấp phép cho một dự án và được coi là một "chốt chặn" để bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Thế nhưng suốt thời gian qua, rất khó để tiếp cận ĐTM của các dự án liên quan trực tiếp đến môi trường. Ở dự án này, bước tiến sát nhất, buồn cười thay lại là khi một số nhà khoa học tá hỏa vì bỗng dưng tên mình có trong danh sách tham gia thẩm định, trong đó có cả nhà khoa học đã không ít lần lên tiếng phản biện việc nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải của Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Tại sao lại có thể xảy ra những chuyện gian dối, mạo danh trắng trợn đến như vậy? Xin được nói thẳng, nó xuất phát từ sự thiếu minh bạch, công khai ngay từ đầu của các đối tượng liên quan. Theo quy định, ngay sau khi được phê duyệt ĐTM, chủ đầu tư phải niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã, nơi tham vấn ý kiến trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, theo hướng dẫn của Bộ TN-MT. Thế nhưng thực tế, chẳng có mấy chủ đầu tư dự án thực hiện việc này và cũng chẳng cơ quan nào giám sát việc niêm yết có được thực hiện hay không. Câu hỏi đặt ra là, vì sao người ta phải giấu giếm, không dám công khai các ĐTM? Chỉ có một câu trả lời, hoặc người ta không có để công khai, hoặc có nhưng không đạt chất lượng, không đúng quy trình, không đảm bảo an toàn cho môi trường...
Hệ quả của việc này là hàng loạt dự án vừa công bố đã gây bức xúc dư luận; hàng loạt dự án được phê duyệt nhưng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng khi đi vào vận hành mà điển hình nhất là Formosa...
Một ĐTM gian dối không chỉ khiến một vùng biển bị ô nhiễm, một khu bảo tồn bị ảnh hưởng, một hệ san hô bị hủy diệt mà còn là "sát thủ" vô hình với sức khỏe, sinh mạng của hàng triệu người dân sống trong vùng đó. Bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của mỗi gia đình, của con cháu và của chính bản thân chúng ta, bảo vệ sự phát triển bền vững của đất nước.
Chưa nói đến việc có ô nhiễm hay không, chỉ riêng việc thiếu trung thực về sự tham gia của các nhà khoa học đã đủ căn cứ pháp lý để rút giấy phép cho nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Vĩnh Tân.
Đã đến lúc phải rà soát lại toàn bộ quy trình lập, thẩm định, tham vấn, công khai... ĐTM của tất cả các dự án đã và đang vận hành để nghiêm túc thực hiện chủ trương không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng mà Chính phủ đã nhiều lần khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.