Quản lý quy hoạch

30/12/2016 06:17 GMT+7

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điểm mặt nguyên nhân gây ra tình trạng ách tắc giao thông, lộn xộn trong nội đô Hà Nội và TP.HCM là do những yếu kém trong quản lý quy hoạch, là tình trạng nén nhà cao tầng trong nội đô một cách vô tội vạ.

Một sự trùng hợp, trước đó, UBND TP.Hà Nội cũng có một báo cáo về tình trạng di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành. Theo đó, từ tháng 1.2015, Chính phủ đã có quyết định về biện pháp và lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời. Hà Nội đã bố trí quỹ đất ngoài khu vực nội thành cho các cơ quan, cơ sở y tế, giáo dục. Tuy nhiên, 7/9 đơn vị sau khi nhận vị trí mới vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở cũ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng (100% chuyển sang làm nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại cao tầng).
Trong bản báo cáo này, Hà Nội đề nghị các bộ ngành sớm bàn giao lại quỹ đất trong nội đô cho Hà Nội, nhưng không thấy đề cập gì đến chuyện, tại sao rất nhiều khu đất có được sau di dời đều đã bị chuyển mục đích sử dụng thành nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại cao tầng. Trong khi từ năm 2011, chính UBND TP.Hà Nội khi đó đã có Nghị quyết về việc dừng cấp giấy phép xây dựng chung cư cao tầng trong nội đô. Toàn bộ quỹ đất có được từ việc di dời phục vụ cho mục đích cây xanh, công cộng, phục vụ đời sống nhân dân. Cũng liên quan đến vấn đề này, tại nhiều kỳ họp, các đại biểu HĐND TP.Hà Nội đều chất vấn rất gay gắt về việc “đất vàng” vốn là trụ sở các cơ sở công nghiệp sau khi di dời 100% đều biến thành cao ốc nhà ở, hoặc văn phòng cho thuê; tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của trường học, khu công cộng như chủ trương của Chính phủ. Câu trả lời đương nhiên là sự im lặng.
Những bất cập trong quy hoạch của Hà Nội nói riêng và đô thị của chúng ta nói chung tồn tại dai dẳng, ai cũng thấy nhưng rất khó giải quyết. Cấu trúc đô thị đang bị rạn vỡ bởi hàng loạt dự án chồng chéo, kiểu mạnh ai nấy làm (nhưng lại theo phương thức khá thống nhất: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa lợi nhuận).
Nguyên nhân có từ lối tư duy nhiệm kỳ, manh mún, nhưng có vẻ nặng nề hơn chính là sự lũng đoạn trong quy hoạch đô thị. Hệ quả là người dân đang phải sống, tồn tại trong đô thị lộn xộn, đứt gãy và ô nhiễm. Các khu đô thị, nhà cao tầng mọc lên để tối ưu lợi nhuận cho nhà đầu tư còn không gian công cộng, cây xanh, mặt nước thì giảm thiểu.
Có lẽ chỉ khi nào Hà Nội trả lời được thấu đáo câu hỏi của Thủ tướng: mảnh đất trống nào cũng xây cao tầng hết Hà Nội sẽ ra sao? thì việc quản lý quy hoạch mới đặt lợi ích của người dân lên trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.