Rạch ròi công tư

19/10/2016 06:00 GMT+7

Hôm qua, khi tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Y tế, hai 'tử huyệt' của ngành này đã được nhắc tới là tình trạng quá tải và thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã lướt qua rất nhanh chứ không đưa thành nội dung bàn thảo, mặc dù gọi đó là những vấn đề người dân và xã hội quan tâm.
Công bằng mà nói, Bộ Y tế có rất nhiều nỗ lực để giải quyết hai vấn đề này. Nhưng tại sao chuyển biến chưa nhiều, hay nói đúng hơn là người dân chưa nhận thấy những thay đổi trong thực tế? Nguyên nhân cốt lõi là bởi chúng ta đang mới chỉ giải quyết phần ngọn.
Bệnh viện (BV) tuyến trên quá tải thì xây dựng BV vệ tinh, khống chế chuyển viện, luật hóa khám bệnh theo tuyến… Thái độ chưa tốt thì phát động BV thân thiện, hành chính hóa việc ứng xử của nhân viên y tế với bệnh nhân… Thực sự mà nói, quá tải BV hay y đức xuống cấp (dễ hiểu hơn là thái độ phục vụ của nhân viên y tế không tốt) chỉ là hai mặt của một vấn đề. Quá tải BV khiến nhân viên y tế dễ dàng nảy sinh thái độ ban ơn, cửa quyền.
Cái gốc của nó chính là các BV của ta hiện đang vận hành theo kiểu công tư lẫn lộn. Cơ chế công không ra công, tư không ra tư trong các BV đang khiến tình trạng quá tải ngày càng trở nên trầm trọng và khó giải quyết.
Về mặt nguyên tắc, BV công là cơ sở hạ tầng của nhà nước, đó là tài sản do nhân dân đóng thuế. Những nhân viên y tế làm trong BV công phải tường minh trách nhiệm tương xứng với những gì nhân dân đóng góp. Ở viện công, nên vận hành bằng bảo hiểm y tế; còn các dịch vụ thu tiền nên tách ra thành bộ phận riêng theo kiểu kinh doanh. Sự nhập nhèm công, tư trong các BV không chỉ khiến các BV công quá tải mà còn khiến các nhân viên y tế so bì, nảy sinh thái độ ban ơn như đã biết.
Sự lẫn lộn này khiến giá khám bệnh “theo yêu cầu” ở BV Nhi T.Ư cao gấp 6 lần giá khám bệnh theo quy định, giá phòng “theo yêu cầu” của BV Bạch Mai ngang giá khách sạn 3 sao mà không có nhà vệ sinh riêng, phòng bệnh mốc meo bẩn thỉu… Tình trạng các BV dồn bệnh nhân nằm ghép để nhường chỗ cho “giường dịch vụ” là có thật.
Bộ Y tế đang dự thảo quy định BV chỉ được mở “dịch vụ” khi không còn bệnh nhân nằm ghép, cũng chính là tiệm cận nguyên tắc BV công là cơ sở hạ tầng của nhà nước. Nhưng vẫn là giải pháp không triệt để và dễ bị lợi dụng.
Nếu chấp nhận “dịch vụ” trong BV công thì tại sao không chấp nhận cổ phần hóa BV? Chúng ta nên nhất quán, đã là BV công là để phục vụ mọi người dân theo chuẩn công bằng, không phải là cơ sở thu tiền, ăn theo lợi nhuận. Người bác sĩ có thể an tâm làm ở BV công vì cái tâm và những cơ chế ưu đãi đặc biệt cho họ. Còn BV nào chủ trương dịch vụ thì nên cổ phần hóa, nó sẽ được đầu tư theo mô hình xã hội hóa, được thu tiền cao tương xứng với mức đầu tư và chất lượng khám chữa bệnh, để phục vụ những người giàu, theo nhu cầu.
Sự minh bạch, rạch ròi luôn là chìa khóa mang lại hiệu quả bất ngờ trong quản lý xã hội nói chung.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.