Thiệt đủ đường

05/04/2017 05:55 GMT+7

Không chỉ Jetstar Pacific đòi áp giá sàn vé máy bay, "ông lớn" trong ngành hàng không là Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) cũng có đề xuất tương tự trong văn bản góp ý về khung giá vé gửi Bộ Giao thông vận tải. VNA chiếm tới 70% cổ phần tại Jetstar Pacific nên việc "đồng thanh tương ứng" cũng là điều dễ hiểu.

Chỉ khác là theo đề xuất của VNA, mức giá thấp nhất hạng phổ thông cho chuyến bay nội địa lên tới 1,54 triệu đồng/chặng, cao hơn mức đề xuất của Jetstar Pacific khoảng 300.000 đồng/chặng.
Nếu đề xuất này được thông qua, doanh thu của VNA tăng 2.500 tỉ đồng/năm. VNA, Jetstar có lợi, chắc chắn rồi. Chỉ có điều, để 1 - 2 hãng hàng không này có lợi, đổi lại sẽ là hàng triệu khách hàng bị thiệt. Sẽ có nhiều triệu người phải từ bỏ ước mơ "được đi máy bay" hay tiếp cận dịch vụ hàng không khi các chương trình khuyến mãi vé 0 đồng chính thức bị loại bỏ. Nhưng thiệt hại của hàng triệu khách hàng vẫn chưa phải là lớn nhất từ những đề xuất ngược dòng này. Thiệt hại lớn hơn là của cả nền kinh tế dưới tất cả các góc độ liên quan đến vấn đề này.
Đầu tiên là chia tải. Chỉ 5 năm trước thôi, vận tải đường bộ, đường sắt phải gánh gần như toàn bộ nhu cầu của xã hội. Mỗi dịp lễ, tết, hội hè... tình trạng thiếu, kẹt xe dẫn tới cò vé hét giá, cơm tù, tai nạn giao thông do quá tải xảy ra thường xuyên. Từ khi có hàng không giá rẻ, vận tải đường bộ, đường sắt được chia sẻ rất nhiều. Đến mức trong cuộc họp về an toàn giao thông cận tết năm ngoái, có ý kiến còn cho rằng "các hãng hàng không đang vét hết khách của đường sắt". Nhưng cũng nhờ thế, vận tải đường bộ, đường sắt đã phải tự nâng cấp cả về chất, lượng và cũng phải tính tới chuyện giảm giá vé để cạnh tranh thu hút khách về mình.
Thứ hai là đi ngược xu thế phát triển. Thực tế, chuyện quản lý bằng biện pháp hành chính, giá trần - sàn đã quá lạc hậu và đi ngược với nguyên tắc thị trường. Trừ một số ngành độc quyền, nhà nước phải sử dụng công cụ này để điều tiết nhằm tránh việc doanh nghiệp (DN) lợi dụng vị thế để tăng giá sản phẩm dịch vụ, gây thiệt hại cho người dân, DN. Còn ở những lĩnh vực khi đã có cạnh tranh thì việc cởi bỏ giá trần - sàn là điều cần thiết, hay nói đúng ra là tất yếu.
Luật Giá cũng quy định, chỉ áp dụng khung giá đối với dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa tuyến độc quyền. Hàng không hiện đã có cạnh tranh, nếu áp dụng giá sàn như đề xuất của VNA và Jetstar, nguy cơ độc quyền trở lại là rất lớn. Trong khi ngành này đã rất vất vả với cái chết yểu của 3 - 4 hãng hàng không tư nhân trên hành trình đi đến cạnh tranh. Và hàng không nội địa cũng chỉ mới vừa manh nha cạnh tranh khoảng 5 - 7 năm nay mà thôi.
Thứ ba, theo quan niệm của luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực 1.7.2015) thì DN nhà nước là DN mà nhà nước nắm 100% cổ phần. Nghĩa là cả VNA và Jetstar đều không phải là DN nhà nước nữa. Vậy thì các DN này, hãy làm quen và chấp nhận sân chơi bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh với các thành phần DN khác. Không nên đề xuất những vấn đề đi ngược với thị trường, đi ngược với quyền lợi của người dân và nền kinh tế. Cũng không nên đẩy nhà nước vào thế khó, mang tiếng bảo hộ hậu cổ phần hóa nếu "chiều" theo đề xuất tăng giá trần, áp giá sàn của VNA hay áp giá sàn của Jetstar để các hãng này có kết quả kinh doanh tốt hơn.
Cuối cùng thì nhà nước không cần, không nên can thiệp trực tiếp vào giá vé mà nên tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh để các hãng hàng không nói riêng và các DN nói chung tự do cạnh tranh.
Không thể vì cái lợi của một vài DN mà khiến người dân, nền kinh tế thiệt hại đủ đường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.