Thừa tiền, thiếu vốn

15/09/2017 06:21 GMT+7

Cuối tháng 6 vừa rồi, việc ứng vốn cho dự án metro số 1 đã được TP.HCM đưa ra trong cuộc họp kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất của TP để phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng ý với các kiến nghị của TP, Thủ tướng khuyến khích, cần đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm, vượt qua tâm lý “an toàn là trên hết” để tạo đột phá tăng trưởng cho TP và chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, tháo gỡ, bố trí vốn ODA trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho tuyến metro số 1.
Thế nhưng đã hơn 3 tháng trôi qua, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), vốn được xác định là dự án trọng điểm, vẫn luôn trong tình trạng đói vốn, nợ tiền các nhà thầu, bị dọa cắt tiến độ thi công, gây ảnh hưởng đến uy tín môi trường đầu tư của VN.
Còn TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp rất lớn cho ngân sách quốc gia cũng không nhận được câu trả lời của các bộ, ngành liên quan về việc bổ sung nguồn vốn ODA cho dự án.
Dự án đói vốn, trong khi đó kho bạc thừa tiền đi gửi ngân hàng thương mại, không có một tư duy dám nghĩ dám làm nào để "thừa - thiếu" gặp nhau như khuyến khích của Thủ tướng.
Kiến nghị của TP đối với các dự án ODA, dự án quan trọng quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt dự án đầu tư trước khi luật Đầu tư công có hiệu lực, trong quá trình thực hiện dự án nếu có phát sinh thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, điều chỉnh dự án thì đề nghị thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh là của Thủ tướng Chính phủ, không phải trình lại Quốc hội.
Thủ tướng chỉ thực hiện báo cáo Quốc hội tại phiên họp vào cuối mỗi năm để Quốc hội giám sát, theo dõi. Nếu được áp dụng thì nút thắt về vốn cho dự án metro số 1 và nhiều công trình tại TP.HCM sẽ được giải quyết. Vậy các bộ, ngành có mặt trong buổi họp đã đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ cho TP?
Chỉ biết rằng, sau gần 2 năm chấp nhận các hàng rào lô cốt "chắn" cơ hội làm ăn; chấp nhận bất tiện trong di chuyển, sinh hoạt hằng ngày, hàng trăm, hàng ngàn hộ dân, doanh nghiệp tại TP.HCM - nơi có tuyến metro số 1 chạy qua - đang đứng trước nguy cơ tiếp tục phải chờ đợi nếu việc bổ sung vốn cho dự án vẫn tiếp tục giậm chân tại chỗ.
Đằng sau mỗi dự án chậm trễ là nguy cơ đội vốn, là ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, là kéo trì tăng trưởng của địa phương nói chung và đất nước nói riêng. Một dự án quan trọng của TP lớn nhất nhì cả nước mà còn rơi vào tình trạng này thì trên cả nước, còn bao nhiêu dự án dở dang, chậm trễ trong nghịch lý "thừa tiền nhưng thiếu vốn" như vậy?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.