Tiên trách kỷ...

21/07/2016 05:06 GMT+7

Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri vừa gửi các đại biểu Quốc hội khóa 14 khai mạc hôm qua (20.7), Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN cho hay, vấn đề xử lý trách nhiệm của quản lý nhà nước trong vụ việc Formosa nhận được nhiều sự quan tâm từ cử tri và nhân dân cả nước.

Báo cáo nêu rõ: Cử tri và nhân dân hoan nghênh Chính phủ đã chỉ đạo xác minh, kết luận và công bố công khai nguyên nhân hải sản chết hàng loạt và chỉ rõ Công ty Formosa đã vi phạm pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường, vì vậy đã gây ra sự cố môi trường biển chưa từng có ở VN.
Vì vậy, bên cạnh đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương, giám sát Công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết, cử tri và nhân dân cũng “yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường”.
Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, để một sự cố nghiêm trọng như thế xảy ra thì, cùng với việc đấu tranh, xử lý thủ phạm thì việc quan trọng không kém mà chúng ta phải làm là kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của những cán bộ liên quan, như đúng tinh thần mà ông bà xưa đã đúc kết: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Thế nhưng, cũng có ý kiến rằng, đã một tháng trôi qua từ ngày Chính phủ công khai thủ phạm gây nên sự cố môi trường nghiêm trọng nhất này, vẫn chưa có một cá nhân, hay tổ chức chính quyền nào bị xử lý. Trên thực tế, tại phiên họp Chính phủ mới đây nhất, thông điệp xử lý nghiêm trách nhiệm của những cá nhân có liên quan đã được lãnh đạo cơ quan điều hành tuyên bố khi xác định, không làm nghiêm thì khó lòng ăn nói với người dân.
Vậy nên, những cái tên đầu tiên được chỉ đích danh gắn với trách nhiệm trong vụ việc này, có lẽ chỉ là chuyện nay mai mà thôi. Nếu nhìn lại xa hơn một chút, tức khoảng hơn ba tháng nay, từ ngày Chính phủ mới được kiện toàn thì người dân càng có niềm tin hơn với điều này, bởi thông điệp “siết lại kỷ cương” luôn được người đứng đầu cơ quan điều hành nhấn mạnh cùng với vấn đề thực hiện Chính phủ kiến tạo để hỗ trợ, giải phóng sức sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Để thúc đẩy, Thủ tướng đã ký văn bản yêu cầu chấn chỉnh thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ với những nội dung vô cùng cương quyết, như việc yêu cầu các thành viên Chính phủ dành thời gian tham dự đầy đủ các nội dung theo chương trình, tham gia quyết nghị đầy đủ đối với những vấn đề Chính phủ thảo luận. Thành phần đi họp phải đúng người. Các bộ ngành không được “đùn đẩy” việc lên Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ phải cương quyết trả lại những vấn đề thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành…
Cùng với đó, đối với các bộ, địa phương, lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cũng đã có những thúc giục mạnh mẽ để củng cố quyết tâm này, minh chứng là việc hai lần ra đốc thúc TP.Hà Nội phải “đập” công trình sai phạm 8B Lê Trực...
Thế nên, trong một bầu không khí "nóng bỏng" của “những việc cần làm ngay” để siết chặt kỷ cương như vậy, thì những cán bộ chưa bị chỉ tên, có lẽ cũng đã đến lúc nên biết tự trách mình ngay từ bây giờ đi thôi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.