Trách nhiệm với cộng đồng

23/07/2016 05:35 GMT+7

Chưa bao giờ môi trường sống của chúng ta bị đe dọa nặng nề như hiện nay.

Bên cạnh câu chuyện Formosa ở Hà Tĩnh xả chất thải độc hại xuống biển khiến cá chết hàng loạt chưa đến hồi kết thì Báo Thanh Niên số ra ngày 22.7.2016 có 2 bài viết “động trời”: Hóa chất độc hại đổ thẳng ra môi trường khiến nguyên cả khu rừng bạch đàn chết cháy diễn ra trên địa bàn ấp Cây Xoài, xã Tân An, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai và Bệnh viện lao xả thải ra đồng ruộng ở xã Nghi Vạn, H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Thực ra chuyện “ám sát môi trường” ở VN đại loại như vừa nói chẳng có gì lạ vì nó diễn ra gần như mỗi ngày, địa phương nào cũng có, chỉ khác nhau ở mức độ nặng/nhẹ mà thôi. Câu hỏi đặt ra là, tại sao họ - những kẻ cố tình xả chất thải độc hại ra môi trường - dẫu biết rõ chất thải ấy chắc chắn hủy hoại môi trường sống của chính mình mà vẫn cứ ngang nhiên thực hiện hành vi? Đi tìm câu trả lời không khó.

Tôi đã từng đến tham quan và tìm hiểu quy trình xử lý nước thải của một nhà máy bia có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn Q.12, TP.HCM và được biết họ đã chi một số tiền khá lớn để xây dựng cả một hệ thống xử lý nước trước khi thải ra môi trường. Nước thải ấy sạch đến mức có thể cho vào hồ để nuôi cá hoặc tưới cây xanh. Họ làm điều ấy, trước hết là vì có trách nhiệm với cộng đồng. Đây rõ ràng là vấn đề nhận thức. Mà nhận thức thì không phải ai cũng giống ai. Ngược lại với câu chuyện nhà máy bia vừa kể, ở xứ ta không thiếu những kẻ tiếc tiền, chẳng thèm đầu tư hệ thống xử lý chất thải gì cả cho tốn kém, cứ thế lén đổ bậy ra nơi nào cũng được, cho xong chuyện của mình. Thế còn chuyện của thiên hạ thì sao khi phải lãnh hậu quả từ sự vô trách nhiệm do mình gây ra?
Chuyện lớn là vậy, có câu chuyện “nhỏ hơn” cũng đáng quan tâm. Đó là chuyện có rất nhiều người nuôi thú cưng nơi phố thị, cứ tối tối dắt chó ra khỏi nhà để nó “trút bầu tâm sự” nơi nào đó, rồi chủ và chó “phấn khởi” quay về tỉnh queo, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra, chất thải để lại thì thiên hạ... lãnh đủ. Một vài nơi ở Âu - Mỹ cũng có hiện tượng “thải phân chó ra khỏi nhà” theo cách vừa nói. Chịu hết thấu, cuối cùng chính quyền buộc những ai để chó ị ra phố phường phải tự tay hốt dọn và làm sạch vị trí ấy, nếu cố tình tái diễn, sẽ có biện pháp “mạnh tay”. Triết lý sống của những xứ văn minh nằm ở chỗ, nếu bạn không chịu nổi sự độc hại của chất thải thì đừng bắt người khác chịu thay. Bạn có dám ăn hạt gạo được trồng trên những thửa ruộng bị người ta đổ chất thải từ Bệnh viện Lao và bệnh phổi? Chắc là không dám. Bạn có đủ can đảm xơi những thứ cây trồng, vật nuôi từ những môi trường độc hại? Cũng chẳng dám liều. Vậy chẳng lẽ bó tay?

Thực tình mà nói, trên cõi đời này chẳng có điều gì khiến chúng ta “bó tay” cả. Những vấn đề đại loại như vừa nêu cần thể hiện từ hai phía: Một là, nếu bạn còn tha thiết yêu thương đồng loại thì phải suy nghĩ lại trước khi thải chất độc ra môi trường sống chung quanh; Hai là, các cơ quan chức năng cần thật sự “mạnh tay” với những hành vi đầu độc đồng bào mình. Buộc họ phải đầu tư xử lý chất thải nếu còn muốn tiếp tục sản xuất. Những kẻ nào cố tình thải chất độc ra môi trường, như thời gian qua, buộc phải bồi thường thỏa đáng cho người dân đồng thời khắc phục hậu quả do mình gây ra, bao lâu cũng phải làm và làm cho bằng được. Môi trường sống của chúng ta đã và đang bị đe dọa, đừng vì cái lợi ích kỷ mà hại chính mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.