Trộm cắp tài nguyên lộng hành

23/09/2016 00:00 GMT+7

Sau gần ba tháng điều tra, nhóm phóng viên của Thanh Niên đã phanh phui gần như toàn bộ hành vi vi phạm của các đối tượng “ ồ ạt đào trộm đất dự án ”.

Đây chính là một trong những “tội phạm trong doanh nghiệp”, mà Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã lên tiếng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 21.9. Bộ trưởng cho rằng tình trạng giang hồ đứng sau các doanh nghiệp khai thác mỏ, cát sỏi, san lấp mặt bằng… đã gia tăng đến mức báo động.
Đất, cát là tài nguyên khoáng sản quý giá của quốc gia. Cụ thể là các cấp chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý, giữ gìn. Nhưng chỉ cần gõ vào Google các từ khóa “cát tặc”, “đất tặc” vài năm trở lại đây, lập tức chúng ta sẽ thấy hằng hà sa số những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan trên khắp mọi miền đất nước. Không ít vụ việc gây nhức nhối trong dư luận, như vụ trộm cát gây sạt lở sông Hồng nghiêm trọng. Đến mức ngày 12.10.2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - lúc đó là Phó thủ tướng - đã không báo trước, bất ngờ xuống kiểm tra hiện trường và kết luận nguyên nhân chính là do địa phương buông lỏng quản lý. Và ngay sau đó, tại hội nghị về phòng chống vi phạm trong lĩnh vực này, ông Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Có hiện tượng buông lỏng, bao che, bảo kê cho hoạt động trái phép ngang nhiên ngày đêm”. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc đều không xử lý được. Tình trạng bảo kê, bao che của những người có trách nhiệm vẫn hiển hiện, người dân nhìn vào ai cũng biết, nhưng chính những người có trách nhiệm hầu hết đều thoái thác.
Trở lại bài Ồ ạt đào trộm đất dự ánThanh Niên phản ánh, liệu lãnh đạo TP.HCM sẽ xử lý mạnh mẽ như từng chỉ đạo xử lý một cán bộ tài nguyên môi trường H.Hóc Môn mới vừa nhậm chức vì “vô cảm”. Hoạt động trộm đất rầm rộ như một “đại công trường”, nhưng không thấy một cơ quan, một quan chức có trách nhiệm nào để mắt tới. Thậm chí, ông “trùm” đứng ra thuê các tay giang hồ cảnh giới và đào trộm đất còn tuyên bố “dính đến đâu tôi gỡ đến đó” - khi phóng viên đặt vấn đề xe chở quá tải hay đất rơi vãi ảnh hưởng đến môi trường. Đến khi được hỏi thì các cơ quan chức năng lại đổ trách nhiệm cho nhau, cho rằng “biết trộm nhưng không bắt được” (!?). Thực tế, nhiều vụ trộm đất, trộm cát trước đây cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hàng trăm, hàng triệu mét khối đất, cát biến mất nhưng đâu lại vào đấy, khi trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các cấp quản lý nhà nước vẫn còn chung chung và chưa được xử lý đến nơi đến chốn.
Hai thanh niên giựt vài ổ bánh mì chống đói phải bị đem ra xét xử, thì để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, những kẻ trộm cướp tài nguyên không thể không nghiêm trị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.