Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

19/07/2016 06:32 GMT+7

Đó là nói về Thông tư 83, cắt xén bớt ưu đãi của doanh nghiệp so với quy định trong luật Đầu tư của Bộ Tài chính.

Thực ra việc doanh nghiệp bị cắt xén cái này, cái kia không phải là chuyện gì mới mẻ nhưng việc "cắt xén" lần này đáng nói ở chỗ, nó xảy ra ngay khi Chính phủ đang tìm mọi cách để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN).
Chẳng nói đâu xa, mới tuần trước Phòng Thương mại Công nghiệp VN (VCCI) và Bộ KH-ĐT đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự thảo luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 7 này. Đây là lần đầu tiên, vấn đề hỗ trợ DN được luật hóa. Có 2 lý do cần phải "nghiêm trọng" như vậy. Thứ nhất, các DN vừa và nhỏ dù chiếm tới 97% tổng số DN, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế nhưng luôn ở trong tình trạng “yếu và thiếu đủ thứ” vì chưa được quan tâm đúng mức. Thứ hai, đây là hoạt động quan trọng để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ là hướng đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả, dựa trên đổi mới, sáng tạo. Nhiều doanh nhân cho biết, họ kỳ vọng rất nhiều vào dự luật lần này và cũng vì thế không ít người ngã ngửa trước việc cắt xén ưu đãi trong Thông tư 83.
Không chỉ thế, đây cũng đang là giai đoạn nóng trong việc thực hiện loại bỏ các "giấy phép con". Theo đó, tất cả những điều kiện kinh doanh vô lý và ban hành trái pháp luật; tất cả các giấy phép con không phải là nghị định, đều phải xóa bỏ nhằm tiếp sức giúp DN tăng sức cạnh tranh. Một thông tư đi ngược với tinh thần luật Đầu tư, tước bỏ ưu đãi đã được luật hóa của DN được ban hành trong giai đoạn này là điều hết sức khó hiểu và tắc trách.
Trở lại với Thông tư 83, những ưu đãi bị cắt xén chủ yếu là về thuế. Mà thuế lâu nay, vốn là nỗi thống khổ của cộng đồng DN. Theo báo cáo 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ trọng thuế/lợi nhuận của DN VN đứng ở mức khá cao, lên tới 39,4% lợi nhuận để nộp thuế. Nghĩa là DN làm được 10 đồng thì nộp thuế hết gần 4 đồng. Trong khi tỷ lệ này tại Singapore là 18,4%, Thái Lan khoảng 27,5%, Campuchia 21%, Indonesia 29,7%... Chỉ với tỷ lệ này, sức cạnh tranh của DN nội đã kém hơn hẳn so với DN ngoại. Đó là chưa kể đến chi phí vốn, chi phí vận chuyển, chi phí không chính thức... ở ta cũng đều cao hơn trong khi thủ tục hành chính, môi trường, khả năng tiếp cận vốn lại kém hơn so với nhiều nước trong khu vực. Hệ quả là nhiều DN nội bị chèn lấn, bị biến mất khi mở cửa thị trường theo lộ trình hội nhập của VN với khu vực và thế giới. Minh chứng rõ nhất theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, tổng số DN phá sản, chờ phá sản lên tới 36.600 đơn vị. Như vậy bình quân mỗi tháng có hơn 6.000 DN phá sản, chờ phá sản; mỗi ngày có hơn 200 DN chết và chờ chết.
Liệu có bao nhiêu DN trong số này chết, ngắc ngoải, khó khăn vì những chính sách hỗ trợ không tới tay, vì những cơ chế "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", vì chủ trương thì tốt nhưng thực thi lại không tới?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.