Xu hướng và thực tế

29/11/2015 06:09 GMT+7

Số phiếu thuận không cao như thông thường, nhưng 69,23% vẫn thừa điều kiện để điều 40, bộ luật Hình sự (sửa đổi) được thông qua tại Quốc hội cuối tuần qua; trong đó quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tham ô, nhận hối lộ mà đã nộp lại tối thiểu 3/4 tài sản phạm tội.

Số phiếu thuận không cao như thông thường, nhưng 69,23% vẫn thừa điều kiện để điều 40, bộ luật Hình sự (sửa đổi) được thông qua tại Quốc hội cuối tuần qua; trong đó quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tham ô, nhận hối lộ mà đã nộp lại tối thiểu 3/4 tài sản phạm tội.

Bỏ hay không bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng là vấn đề gây tranh cãi suốt một thời gian dài, trong quá trình xem xét sửa đổi bộ luật Hình sự. Ngay ở những phiên thảo luận cuối cùng, trước khi dự luật được thông qua, nội dung này vẫn còn nhận nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều ĐBQH cũng như dư luận đã đặt vấn đề, “miễn” tử hình trong trường hợp này đồng nghĩa với việc có thể “dùng tiền để mua mạng sống”, người tham nhũng sẽ có tâm lý liều lĩnh, quyết liệt hơn vì dù sao cũng vẫn còn đường sống ở cuối đường hầm; thậm chí nảy sinh tâm lý vơ vét thật nhiều, hàng chục, hàng trăm tỉ để khi nộp lại 3/4 vẫn còn tài sản kếch xù. Tất nhiên, muốn tham nhũng với số tiền lớn thì người tham nhũng cũng phải có vị trí tương xứng.
Ngược lại, những ý kiến ủng hộ việc “miễn” tử hình này cho rằng đấu tranh với tội phạm tham nhũng, quan trọng là thu hồi được tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, còn có tử hình nhiều người phạm tội thì cũng không vì thế mà loại tội phạm này giảm đi. Cuối cùng, QH đã chọn giải pháp “trung bình”, miễn thi hành án tử với điều kiện nộp lại tài sản tham nhũng. Xu hướng giảm dần án tử hình có vẻ đã thắng thế ở một chừng mực nào đó tại QH, phù hợp với điều kiện xã hội VN hiện nay.
Giảm án tử hình là một xu hướng văn minh mà bộ luật Hình sự sửa đổi đang tiếp cận, trên nguyên tắc, quyền được sống của con người là quyền thiêng liêng, tội phạm phải trừng trị thật nghiêm nhưng không có nghĩa nhất thiết phải tước đoạt mạng sống. Cũng trong xu hướng này, bộ luật Hình sự sửa đổi bỏ tử hình ở 7 tội danh khác (cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch).
Bỏ thi hành án tử đối với tội phạm tham nhũng nộp lại tài sản là phù hợp với xu hướng nhiều nước tiến bộ đang làm, nhưng nó có thực sự là một trong những biện pháp hữu hiệu để thu hồi tài sản tham nhũng như nhiều người mong đợi hay không thì chưa chắc. Bởi vì, vấn đề của hệ thống luật pháp chúng ta hiện nay, không phải là chỗ luật pháp không nghiêm, không đủ mà là tính thi hành rất hạn chế. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay đang được báo cáo ở mức 22%.
Thu hồi tài sản cho nhà nước là mục tiêu chính trong những vụ án tham nhũng, nhưng đây cũng là cái khó nhất. Khó vì trình độ ngày càng cao của những quan tham trong việc che giấu hành vi phạm tội, tinh vi trong tẩu tán tài sản sau khi tham ô. Khó vì việc xác định hậu quả trong những vụ án tham nhũng gặp rất nhiều khó khăn do phải chờ kết luận giám định (thiệt hại về hậu quả).
Thế nên, nếu không có hướng dẫn cụ thể, chi tiết thì quy định nộp lại 3/4 tài sản tham ô sẽ thoát án tử hình cũng sẽ rất mông lung. Nếu không cẩn thận thì tiền tham nhũng cũng không thu hồi được mà tính răn đe của điều luật lại mất đi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.