Chảy máu chất xám ở bệnh viện tỉnh

28/11/2015 17:00 GMT+7

Theo thống kê của ngành y tế Bình Thuận, trong vài năm gần đây có khoảng 22 bác sĩ bỏ Bệnh viện đa khoa tỉnh để chuyển sang bệnh viện tư nhân, hoặc mở phòng mạch tư. Đó là chưa kể các bác sĩ xin xuống tuyến dưới.

Theo thống kê của ngành y tế Bình Thuận, trong vài năm gần đây có khoảng 22 bác sĩ bỏ Bệnh viện đa khoa tỉnh để chuyển sang bệnh viện tư nhân, hoặc mở phòng mạch tư. Đó là chưa kể các bác sĩ xin xuống tuyến dưới.

BVĐK tỉnh Bình Thuận - nơi có nhiều bác sĩ đầu ngành ra đi - Ảnh: H.LinhBVĐK tỉnh Bình Thuận - nơi có nhiều bác sĩ đầu ngành ra đi - Ảnh: H.Linh
Bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Nhơn, Phó giám đốc Sở KH-CN Bình Thuận (nguyên Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận) cho rằng, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh là nơi được nhà nước đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất, thiết bị khám chữa bệnh lẽ ra phải là nơi thu hút nhân tài trong ngành. Tuy nhiên tình trạng tình trạng có nhiếu BS rời bỏ bệnh viện trong những năm gần đây là điều thật đáng tiếc. “Họ rời bỏ nơi làm việc của mình không chỉ có nguyên do về thu nhập, mà cái chính là môi trường công tác không thuận lợi”, BS Nhơn nói.
Theo BS Nhơn, trong số những người rời khỏi BVĐK tỉnh như BS. V.A (chuyên khoa 2 về ngoại thần kinh), BS. S (chuyên khoa 2 về nhi), BS. D (chuyên khoa 2 về nội)... Họ là chuyên gia đầu ngành của tỉnh.
Từ chối cả tiến sĩ
Do có một Phó giám đốc của BVĐK tỉnh Bình Thuận được điều động làm Phó giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Thuận có công văn “đề nghị Sở Y tế cho bổ sung một Phó giám đốc đã khuyết”. Ngày 28.8.2015, Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận có công văn đề nghị Giám đốc BVĐK tỉnh tiếp nhận TS.BS Đặng Thức Anh Vũ (42 tuổi, tiến sỹ y khoa, được tỉnh cử đi đào tạo 4 năm tại Nhật Bản, mới về nước cuối năm 2014-PV), hiện là Phó giám đốc BVĐK TX.La Gi làm Phó giám đốc BVĐK tỉnh Bình Thuận.
Tuy nhiên, ngày 7.9, giám đốc BVĐK tỉnh đã “bác” công văn của Giám đốc Sở Y tế, trả lời “thẳng thừng” không tiếp nhận TS Vũ. Trong công văn trả lời, giám đốc BVĐK tỉnh biện hộ rằng: “Việc bổ nhiệm Phó giám đốc Bệnh viện tỉnh phải xem xét nguồn tại chỗ đã được bồi dưỡng, đào tạo. Trong những năm tới, Ban giám đốc bệnh viện sẽ có hai bác sĩ nghỉ hưu, bệnh viện sẽ tạo điều kiện để BS-TS Đặng Thức Anh Vũ về công tác tại BVĐK tỉnh”.
Cũng tại công văn này, Giám đốc BVĐK tỉnh Bình Thuận chỉ đồng ý cho Sở Y tế điều động một dược sỹ đi làm Phó giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm của tỉnh, mà không tiếp nhận, hay cho điều chuyển nhân sự nào theo ý kiến chỉ đạo của Sở Y tế.
Tương tự, BVĐK tỉnh có báo cáo gửi Sở Y tế về tình hình cán bộ tại khoa Răng- Hàm- Mặt là “chỉ có 4 bác sỹ, đa số còn thiếu kinh nghiệm, chuyên môn để thực hiện theo danh mục kỹ thuật được phân tuyến…” Ngày 22.9, Giám đốc Sở Y tế có công văn giới thiệu BS Nguyễn Thị Mỹ Huyền, chuyên khoa Răng-Hàm -Mặt (trú TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đến làm việc hợp đồng tại BVĐK tỉnh. Đề nghị BVĐK tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho BS Huyền được ký kết hợp đồng làm việc theo nguyện vọng. Giám đốc BVĐK tỉnh lại trả lời “Hiện nay bệnh nhân Răng- Hàm- Mặt rất ít (?!). Hơn nữa bệnh viện đã có 4 bác sĩ, nên không thể nhận bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Huyền vào làm việc trong thời điểm này”.
Trả lời Thanh Niên, BS Nguyễn Quốc Việt- Giám đốc Sở Y tế Bình Thuận, cho hay toàn ngành Y tế Bình Thuận chỉ có 2 tiến sĩ y khoa, trong đó có 1 người đã nghỉ hưu. TS Vũ hiện là người có bằng tiến sĩ y khoa duy nhất trong ngành, được đào tạo bài bản từ nước ngoài: “Quan điểm của Sở là tăng cường đội ngũ cán bộ có chuyên môn và năng lực cho BVĐK tỉnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho dân. Nhưng qua các văn bản mà BVĐK tỉnh phản hồi, chúng tôi thấy thiếu thiện chí. Điều đó không phù hợp với tình hình thực tế của ngành y tế tỉnh hiện nay”, ông Việt nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.