Chênh vênh giữa đỉnh trời, chợ 10.000 đồng 'cõng' giấc mơ con chữ của 'chủ sạp nhí'

02/08/2019 09:27 GMT+7

Lán 'chợ 10.000 đồng' nằm vắt vẻo trên đèo Măng Rơi (H.Tu Mơ Rông, Kon Tum). 'Chủ hàng' là những cô bé, cậu bé. Những sản vật '10.000 đồng' là nguồn nuôi giấc mơ con chữ của các em...

Trên đèo Măng Rơi có một khu chợ đặc biệt nằm chênh vênh giữa đỉnh trời. Hầu hết những mặt hàng ở đây đều là sản vật của rừng và được niêm yết với giá 10.000 đồng. Và khu chợ này là nguồn sống cho hàng chục đứa trẻ đến trường, nuôi giấc mơ con chữ.

Chênh vênh lán chợ nơi đỉnh đèo

Cách TP.Kon Tum hơn 60 km về hướng bắc, đèo Măng Rơi như một sợi dây thừng uốn lượn, nối thung lũng Đăk Trăm với đỉnh trời Tu Mơ Rông. Nơi đây có một ngôi chợ đặc biệt, buôn bán những thứ rau rừng với giá niêm yết chỉ 10.000 đồng. Và điều đặc biệt hơn, những "chủ sạp hàng" ở đây không phải các bà, các mẹ mà chỉ là những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Khu chợ là những lán trại nằm bên mép vực của đèo Măng Rơi

Ảnh: Đức Nhật

Chúng tôi đến thăm nơi này vào một ngày hè, mới 8 giờ sáng nhưng cái nắng đã oi ả lắm. Đi qua thung lũng Đăk Trăm vài cây số, những ngôi làng thơ mộng, lẩn khuất dưới tán cây rừng cũng dần dần hiện ra. Con đèo Măng Rơi dốc đứng làm cho cuộc hành trình thêm xa xôi diệu vợi. Vượt qua hàng chục cây số đường rừng quanh co, hung hiểm, cuối cùng cả đoàn mới đến được lán chợ chênh vênh giữa đỉnh đèo Măng Rơi.
Chợ 10 ngàn và giấc mơ con chữ1

Chủ sạp là những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn

Ảnh: Đức Nhật

Chợ 10 ngàn và giấc mơ con chữ2

Buổi trưa, những "chủ sạp nhí" lục tục kéo nhau từ bìa rừng đi ra

Ảnh: Đức Nhật

Lán chợ nằm bên vệ đường Quốc lộ 40B, mấp mé bên miệng vực. Gọi là chợ nhưng thực chất chỉ là vài ba chòi lán được quây tạm bằng mấy tấm phên tre đan vội. Phía trên được lợp bằng lớp tôn mỏng, khi nắng lên không khí bên trong nóng hầm hập như hỏa lò. Bên dưới được lót những tấm ván gỗ cong vênh.
Ngồi vắt vẻo bên trong lán chợ, một vài em bé vẫy khách, gọi mời. “Chú mua măng về ăn nhé, măng núi mùa này ngọt lắm”, một cô bé nhanh nhảu rao. Ánh nắng xuyên qua kẽ hở trên tấm tôn rách rọi vào khuôn mặt em đỏ ửng.
Chợ 10 ngàn và giấc mơ con chữ4

Những sản vật ở đây được niêm yết giá 10.000 đồng

Ảnh: Đức Nhật

Sản vật của rừng

9 giờ sáng, hàng quán ở chợ vẫn còn lác đác. Anh đồng nghiệp ghé tai nói nhỏ, phải đến giữa trưa hàng quán mới bắt đầu sôi động lên. Tôi bắt chuyện với một bé gái kháu khỉnh. Thấy tôi có máy ảnh, cô bé nhoẻn miệng cười rồi ngượng ngùng quay đi giấu mặt.
Hỏi mãi mới biết em là Y Mây, 9 tuổi nhà ở thôn Kơ Xia (xã Đăk Trăm) dưới chân đèo. Y Mây bảo sáng sớm, cả nhà cùng nhau vượt đèo lên rẫy. Mây theo mẹ đi hái nấm, hái măng và rau rừng rồi mang theo những sản vật đi bộ ra lán "chợ 10.000 đồng" để bán cho khách qua đường. Buổi trưa em ở lại chợ đợi mẹ đem cơm ra. Ăn cơm trưa xong mẹ lại vào rẫy mì làm cỏ. Khi chiều tàn, bố mẹ mới từ rẫy ra đón em về nhà. Kết thúc một ngày buôn bán.
“Có hôm em bán được 50.000 đồng, cũng có lúc bán được cả tiền trăm. Cách đây mấy hôm 1 đoàn du lịch qua, họ dừng lại chụp ảnh rồi cho em cả 200.000 đồng. Tiền này em không giữ đâu. Chiều về em đưa lại cho mẹ mua gạo, sắm đồ”, Y Mây nở nụ cười tươi rói.
Buổi trưa, các "chủ sạp nhí" lũ lượt kéo nhau ra khỏi rừng. Cả khu chợ bắt đầu nhộn nhịp hẳn. Người mua kẻ bán cũng tấp nập ra vào. Nhắc đến lán chợ này, những ai từng đi qua đèo Măng Rơi hẳn là đều biết đến. Chợ bán rặt những rau rừng, măng núi hay trái bắp, nhánh lan. Chợ chỉ hoạt động vào mùa hè và từ thứ 2 đến thứ 7.
Chợ 10 ngàn và giấc mơ con chữ5

Chị Y Hiền , bé Y Học và giấc mơ con chữ

Ảnh: Đức Nhật

Chợ 10 ngàn và giấc mơ con chữ6

Một "ông chủ nhí" bên mớ hàng hóa ở lán chợ 10.000 đồng

Ảnh: Đức Nhật

Y Mây bảo chợ toàn con nít, những anh chị lớn hơn hoặc ở nhà chăm em, hoặc lên rẫy trồng mì. “Bọn em ở đây vui lắm, vừa có bạn chơi vừa kiếm được tiền phụ bố mẹ. Hết hè chúng em quay lại đi học, phải đợi đến hè năm sau mới mở hàng lại", Y Mây tâm sự.
Cũng là một cô chủ nhỏ của khu lán chợ 10.000 đồng, Y Trang (10 tuổi, ở thôn Đăk Mông, xã Đăk Trăm) có đôi mắt trong như giọt nắng. Trang cho biết em đã lên đây bán được 3 mùa hè rồi. Nhà em nghèo lại đông anh em nên đói cái ăn lắm. Nhà Trang cũng canh tác vài hecta mì, nhưng mỗi năm chỉ thu được một vụ. Bởi thế, cứ vào kỳ nghỉ hè là Trang lại lên rừng hái măng, hái nấm đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.
“Đường đi hái măng dốc lắm, nhưng em có các bạn đi cùng nên chẳng thấy mệt cái chân đâu. Ở trong rừng có nhiều rau, nấm, chỉ cần bỏ công đi hái là bán có tiền cho mẹ nên em rất thích đi”, Trang hồn nhiên.

Giấc mơ con chữ

Chợ 10 ngàn và giấc mơ con chữ6

Những “bà chủ nhí” rất lịch sự và lễ phép khi bán hàng

Ảnh: Đức Nhật

Gần trưa, Y Linh (16 tuổi, làng Đăk Mông) gùi mớ lá sâm từ trong rừng đi ra. Những giọt mồ hôi lăn dài trên gò má đã sạm đi vì nắng gió. Ngồi nghỉ mệt ở lán trại, em cho biết nhà em có 9 anh em, bố mẹ nghèo lắm, chỉ có vài sào đất để trồng củ mì. Vì cảnh nghèo nên em đã nghỉ học từ năm lớp 8 để phụ giúp gia đình. Ngày trước em cũng từng bán ở đây nhưng giờ chỉ quanh quẩn trên nương với bố mẹ.
“Em cũng muốn đi học, được gặp bạn bè vui chơi. Nhưng nhà không có cái ăn nên em đành nghỉ học, đi làm với bố mẹ thôi. Ngày trước đi học em cũng mơ ước được làm cô giáo. Nhưng giờ thì xa quá rồi, cái chữ trong đầu em cũng quên luôn”, Linh buồn buồn nói, ánh mắt nhìn vào khoảng không vô định.
Chợ 10 ngàn và giấc mơ con chữ7

Các em rất thích lên lán chợ, vừa có bạn chơi vừa có thêm thu nhập

Ảnh: Đức Nhật

Là người phụ nữ duy nhất có mặt ở chợ, chị Y Hiền (35 tuổi, trú làng Đăk Mông) nhìn chúng tôi cười nói: “Các anh có mua gì không mà hỏi tụi nhỏ miết vậy?”, rồi chị dọn lại “mớ hàng” lấy chỗ cho khách ngồi.
Chị Hiền trông già hơn so với cái tuổi của mình, hai bên gò má đen sạm, những nếp nhăn đã xếp đầy trên khóe mắt. Chị bảo rằng mình có 8 đứa con, đứa lớn năm nay 16 tuổi, nhưng đã nghỉ học hơn 3 năm nay. Hôm nay mấy đứa lớn ở nhà chăm em, hái củi chỉ có bé Y Học (9 tuổi) theo mẹ lên lán chợ.
Chúng tôi hỏi vui "nhà nghèo nhưng sao chị siêng đẻ thế?", thì chị Y Hiền cho biết quan niệm của người Xê Đăng đông con là đông của. Ở làng Đăk Mông này nhà nào cũng đều đều 8, 9 đứa con. 
"Nhà nghèo quá, đất đai lại ít, mỗi năm mình chỉ thu hoạch được gần 5 tấn mì. Nhưng mì vừa nhổ xong lại đem bán trả nợ cho người ta. Mình cũng muốn con được đi học chứ, nhưng không có điều kiện đâu”, chị Hiền nói.
“Mình đặt tên nó là Y Học vì muốn nó được học hành như người ta để sau này phụ giúp bố mẹ. Nhưng cứ nghèo thế này không biết nó có đi học nổi không. Hè này mình cho con lên đây bán kiếm tiền. Số tiền ấy để mua gạo, đồ ăn. Còn dư bao nhiêu mình để dành mua sách vở, bút thước cho con đến lớp", chị Y Hiền cho biết thêm, không quên nhìn sang đứa con gái đang ngồi trong sạp.
Cái nắng hè ở đỉnh đèo Măng Rơi như oi ả hơn bởi những ước mơ con chữ đầy gánh nặng của các cô bé, cậu bé nơi đây.
Ông Trương Đình Tuệ, Chủ tịch UBND xã Đăk Trăm (H.Tu Mơ Rông), cho biết khu chợ 10.000 đồng này đã tồn tại từ rất lâu và "chủ" của khu chợ chỉ là những đứa trẻ. Chợ chủ yếu bán những thứ rau rừng, trái rừng, sâm dây hay những sản vật bà con trồng được.
“Thực tế lượng người lưu thông qua khu chợ này đang còn ít nên vẫn chưa tạo được sinh kế cho người dân. Khu chợ chỉ tạo thêm thu nhập cho những hộ gia đình khó khăn, phần nào cải thiện được sinh hoạt hằng ngày cho bà con, và cũng phần nào giới thiệu được đặc sản của địa phương với du khách”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.