Chiến tranh lùi xa, nỗi đau để lại

18/12/2006 09:27 GMT+7

Buổi giao lưu “Bạn bè quốc tế đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” tổ chức tại Nhà Hữu Nghị TP.HCM hôm qua 17.12, được mở đầu bằng “thông điệp” viết bằng âm nhạc về một thế giới không có chiến tranh, yêu chuộng hoà bình. Lời những bài hát như thổi vào hồn người nghe một cảm giác buồn man mác, ray rứt một thời chiến tranh dù nó đã lùi xa cách đây hơn 30 năm.

Nhiều vị khách quốc tế và VN quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam VN, ủng hộ vụ kiện của ho, đã tham dự buổi giao lưu. Đặc biệt, có ông Len Aldis - Thư ký Hội Hữu nghị Anh - Việt, người bạn thân thiết của nhân dân VN vừa từ Anh sang. Trả lời câu hỏi, tại sao ông lại lại lập trang web kêu gọi ủng hộ nạn nhân chất độc da cam VN, ông Len Aldis nói: “Đó là phản ứng của bất cứ người nào khi được chứng kiến những hậu quả quá nặng nề như vậy”. Ông Len Aldis đến bệnh viện Từ Dũ năm 1989, được bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho xem những quái thai khủng khiếp do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin được lưu giữ tại bệnh viện này. Từ đó, ông quyết tâm làm một việc gì đó để lấy lại công bằng cho những nạn nhân. Lời kêu gọi thiết tha đó đã lay động hàng trăm ngàn con tim yêu chuộng hoà bình, khát vọng công lý trên toàn thế giới và nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các tổ chức NGO và bạn bè quốc tế từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Tây u, Bắc Mỹ, Canada...

 


 Anh Nguyễn Đức, trước ống kính của phóng viên người Nhật - Ảnh: Nguyên Thuỷ

Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Len Aldis một lần nữa lặp lại quan điểm trước sau như một của ông là: “Các công ty hoá chất phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trước những nạn nhân chất độc da cam VN!

Tham gia giao lưu còn có hai vị khách Nhật, trong đó ông Gono Nakamura - người được thế giới biết đến với những cuộc triển lãm ảnh về nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN. Từ năm 1973 đến nay - tức một nửa đời ông, nhiếp ảnh gia Nakamura đã lăn lộn khắp đất nước VN, chụp tổng cộng khoảng 30.000 bức ảnh ghi lại chứng tích tội ác của độc chất dioxin tại VN. Ông Gono Nakamura: “Tôi vui mừng khi chứng kiến VN thay đổi nhanh chóng, nhưng vẫn canh cánh bên lòng khi biết những nạn nhân chất độc da cam VN còn chịu nhiều đau đớn”. Còn ông Leen More - một công dân Úc từng có nhiều sự giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam ở làng Hoà Bình (BV Từ Dũ) thì nói: “Tôi không thể hình dung được rằng con người lại có thể đối xử với con người như vậy; người VN lại có thể chịu đựng nhiều như vậy!”.


Quang cảnh buổi giao lưu - Ảnh: Nguyên Thuỷ

       
Tại buổi giao lưu, mọi người đã được nghe ông Mai Giảng Vũ, một phi công của chế độ trước, nhân chứng sống một thời kể lại rằng, ông đã từng 3 lần mang chất dioxin đi rải xuống Lộc Ninh, Snoul (Campuchia) và Phước Long. “Hậu quả là, ba cháu trai của tôi nghỉ học khi lên 10, đến 18 tuổi thì nằm liệt gường. 2 cháu qua đời ở tuổi 23, 1 cháu ở tuổi 25”, ông Vũ nói.  Hay như chị Trần Thị Mỹ Quyên, quê ở Quảng Nam, sinh vào dịp 30.4.1975 kể về những nỗ lực không mệt mỏi để chống chọi lại với hàng loạt những căn bệnh do bị nhiễm dioxin. Trong xúc động chị nói: “Tôi được sinh ra trong ngày hòa bình, nhưng chính mình lại không được... hòa bình”. Rất nhiều đau thương, kỷ niệm, hồi ức; nhiều tấm gương vượt lên trên số phận đã được nhắc nhớ tại buổi giao lưu này. Tất cả như để nói lên một điều: Hãy đồng hành cùng hàng triệu nạn nhân chất độc da cam VN. Bởi, như ai đó đã từng ký thư thỉnh nguyện ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin VN gởi vào trang web của ông Len Aldis: “Chiến tranh chưa dừng lại dù bom đạn đã ngừng nổ và chiến trận im tiếng. Sự tàn phá của nó vẫn tiếp diễn lâu dài trên cõi sống, trong trí não lẫn xác thịt của người dân trong cuộc”.

N.T- B.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.