Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Không thể nói là bỏ cái nọ để làm cái kia"

14/07/2010 00:47 GMT+7

Bên lề kỳ họp HĐND TP Hà Nội sáng qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã trả lời các phóng viên xung quanh chủ đề nóng hổi: úng ngập nội đô.

* Thưa ông, từ sau trận ngập lụt gây hậu quả nặng nề cuối năm 2008, Hà Nội đã tập trung giải quyết chống ngập lụt trong nội đô như thế nào?

- Nhìn chung, sau năm 2008 và trước đó nữa, Hà Nội cũng có quy hoạch hệ thống thoát thải của TP rồi. Tuy nhiên, sau vụ ngập 2008, cũng nhận thấy có những chỉ số phải điều chỉnh. Có 2 đối tượng điều chỉnh: Thứ nhất là phải đưa ra phương án bảo tồn bảo lưu tất cả hồ điều hòa vì Hà Nội rất trũng và phải tìm cách bảo vệ ngay diện tích hồ, đặc biệt là diện tích mặt nước và lưu lượng khối nước để tăng tích nước. Thứ hai là đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình thoát nước bằng vốn vay nước ngoài và vốn trong nước, tập trung vào việc thu gom và thoát nước ra sông Tô Lịch và các sông khác. Đặc biệt là đẩy nhanh việc hoàn tất trạm bơm Yên Sở (giai đoạn II) phục vụ cho mùa mưa 2010 và các trạm bơm Đông Mỹ, Yên Mỹ ở Thanh Trì để thu gom nhanh và tăng lưu lượng thoát nước mưa.

*  Thưa ông, đến bao giờ nội đô thành phố mới hết úng ngập?

"Có việc đầu tư cho các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và có cả đầu tư cho các công trình tiêu thoát nước. Không thể nói là ta bỏ cái nọ để làm cái kia. Vấn đề quan trọng nhất là huy động nguồn vốn, cân đối việc đầu tư sao có hiệu quả".

- Trước mắt phải tăng việc tiêu thoát nước mưa từ 172mm/2 ngày lên gấp rưỡi, gấp đôi thì mới giảm thiểu được úng ngập. Tại các khu vực ngập úng cục bộ mà hệ thống tiêu thoát không đảm bảo thì phải có giải pháp tình thế xây dựng các trạm bơm đưa nước tới các hồ điều hòa. Khi lượng mưa lớn, quá tải như ngày hôm nay thì chúng ta phải chấp nhận các điểm úng ngập cục bộ trong thời gian chưa kịp tiêu thoát nước. Nhưng chúng tôi cũng phải tính tới việc thiết kế tăng nhanh năng lực tiêu thoát nước để giảm úng ngập và đấy mới là hiệu quả của đầu tư và quy hoạch thoát nước. Ngoài việc bơm tiêu nước ra sông Hồng qua trạm bơm Yên Sở, TP cũng phải tính tới việc bơm thoát nước ra sông Nhuệ ngay cả vào mùa lũ lên, làm sao cho nhanh nhất.

* Từ tình trạng ngập úng hiện nay, dư luận có ý kiến cho rằng TP tập trung đầu tư ưu tiên cho các công trình 1.000 năm Thăng Long, trong khi việc đầu tư cho thoát nước chưa được chú trọng đúng mức, ông nghĩ sao về điều này?

- Không phải như thế. Có việc đầu tư cho các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long và có cả đầu tư cho các công trình tiêu thoát nước. Không thể nói là ta bỏ cái nọ để làm cái kia. Vấn đề quan trọng nhất là huy động nguồn vốn, cân đối việc đầu tư sao có hiệu quả.

* Nếu không may 10 ngày đại lễ mà có diễn biến mưa lớn thì TP có những giải pháp gì?

- TP đã rút kinh nghiệm sau trận úng ngập lịch sử cuối năm 2008 và đã cho xây dựng các kế hoạch, phương án đồng bộ để kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết xấu như vậy. TP đã chuẩn bị mọi lực lượng, phân công sắp xếp cụ thể nếu tình huống úng ngập lớn xảy ra.

* Trong các dự án đầu tư cho kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, có dự án dành cho thoát nước không, thưa ông?

- Chỉ duy nhất có dự án cải tạo hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất, vừa để cải tạo cảnh quan vừa để phục vụ thoát nước và vẫn phải xây một trạm bơm ở đây để bơm nước ra sông Kim Ngưu khi có mưa lớn.

Việt Chiến - Nguyệt Minh (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.