Chủ tọa hòa giải khi đang xét xử có đúng luật ?

Phan Thương
Phan Thương
24/02/2019 08:29 GMT+7

Tại phiên tòa xét xử tranh chấp của vợ chồng 'vua cà phê' Trung Nguyên, chủ tọa bất ngờ thuyết phục bà Diệp Thảo rút đơn xin ly hôn, khiến dư luận 'chia phe' tranh cãi về tính hợp pháp cũng như khách quan ở tình tiết này.

Có lẽ mục đích của HĐXX là mong muốn các bên duy trì mối quan hệ hôn nhân, nhưng cái chưa được là đã gợi ý đương sự rút đơn khởi kiện. Hòa giải tức HĐXX đưa ra lý lẽ để các bên nhận thấy chưa đến mức phải ly hôn, nhưng quyền rút đơn hay không là quyền của đương sự. Chính việc không khéo trong cách thuyết phục dễ khiến dư luận hoặc đương sự có thể hiểu lầm thẩm phán không vô tư, khách quan trong xét xử
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn luật tố tụng dân sự - hôn nhân và gia đình Đại học Luật TP.HCM
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến phiên tòa tranh chấp tài sản khi ly hôn của vợ chồng chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên: bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Bên cạnh diễn biến phiên tòa, các bên tranh cãi nảy lửa về tình yêu - tiền bạc, vai trò của người phụ nữ - đàn ông trong hôn nhân, cấp dưỡng nuôi con, phân chia tỷ lệ tài sản chung... thì phiên tòa cũng làm “dậy sóng dư luận” khi chủ tọa, thẩm phán Nguyễn Văn Xuân bất ngờ đứng ra hòa giải, thuyết phục bà Lê Hoàng Diệp Thảo rút đơn xin ly hôn, lui về “hậu trường” chăm sóc chồng con.

Liên tục động viên rút đơn

Cụ thể, cuối buổi sáng 21.2, trong phần hỏi đáp của phiên tòa, chủ tọa dành nhiều thời gian để thuyết phục bà Thảo rút đơn xin ly hôn. Theo chủ tọa, bà Thảo và ông Vũ từng có thời kỳ hôn nhân tốt đẹp với 4 người con xinh xắn, thông minh. Bà Thảo có thể bỏ ông Vũ nhưng không thể bỏ các con. Ngược lại ông Vũ cũng vậy. Giữa họ có "sợi dây vô hình gắn bó".
"Việc tòa phân chia cho ông bà thế nào thì sau này tất cả tài sản đều để lại cho các con. Tôi động viên ông bà xem lại một lần. Thôi thì bà rút đơn xin ly hôn, quay về với vai trò người vợ chăm sóc các con, không tham gia kinh doanh nữa mà giao toàn bộ doanh nghiệp cho ông Vũ điều hành. Nếu ông Vũ không có tài thì không thể đưa Trung Nguyên trở thành công ty hàng đầu như hiện nay", chủ tọa nói.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo lắng nghe HĐXX khuyên rút đơn xin ly hôn Ảnh: Ngọc Dương
Khi nghe bà Thảo trình bày thực sự mong muốn quay về như xưa, nhưng cũng rất lo lắng cho sức khỏe của chồng..., chủ tọa tiếp tục phân tích: "Sức khỏe của ông Vũ hoàn toàn bình thường, đủ khả năng điều hành công ty. Con trai lớn của ông bà đã 20 tuổi, cháu có đủ khả năng để sau này ông Vũ trao quyền kế thừa công ty. Bà không mất cái gì. Bà được chồng, được con, vẫn quản lý tiền bạc của gia đình", đồng thời động viên bà Thảo quay về xin lỗi mẹ chồng, xin lỗi chồng và cả gia đình cùng đoàn tụ...
Diễn biến phiên tòa sau đó, dù khẳng định: “Thời đại xã hội bây giờ không như xưa, tôi không có lỗi thì tại sao tôi phải xin lỗi...”, nhưng sau những phân tích, động viên của chủ tọa, bà Thảo 2 lần nói sẵn sàng rút đơn ngay tại tòa nếu có sự đồng thuận của ông Vũ. Tuy nhiên, cuối cùng phía ông Vũ không đồng ý, khẳng định muốn chấm dứt hôn nhân với bà Thảo.
Dù vợ quyết định rút đơn xin ly hôn nhưng ông Đặng Lê Nguyên Vũ không đồng ý

Dễ gây hiểu lầm

Tài sản tranh chấp “khủng”,
án phí bao nhiêu?

Về nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án hôn nhân gia đình, luật sư Hoàng Hữu Nhân, Đoàn luật sư TP.HCM, cho hay khoản 5 điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định các đương sự có tranh chấp việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm 300.000 đồng thì các bên còn phải chịu án phí đối với giá trị phần tài sản mà họ được chia. “Sau này, khi HĐXX tuyên ông Vũ, bà Thảo được hưởng bao nhiêu trong khối tài sản chung thì các bên phải có nghĩa vụ chịu án phí dựa trên tài sản được hưởng. Án phí đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình có giá ngạch (có yêu cầu số tiền cụ thể - PV) sẽ tùy vào giá trị để có mức thu cụ thể. Trong việc tranh chấp hôn nhân của vợ chồng bà Thảo - ông Vũ, vì giá trị tài sản của họ đều từ trên 4 tỉ đồng nên mức thu sẽ được tính: 112 triệu đồng (theo danh mục Nghị quyết 326) + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng”, luật sư Nhân phân tích.
Đây không phải là vụ án đầu tiên chủ tọa đứng ra hòa giải cho các bên khi vụ án đang tiến hành xét xử.
Trong “đại chiến” Vinasun - Grab về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, khi phiên tòa đang trong giai đoạn tranh luận, chủ tọa - thẩm phán Lê Công Toại thông báo Vinasun và Grab có gửi đơn mong muốn được hòa giải. “Việc hai bên muốn hòa giải là dấu hiệu tích cực. Nhưng theo quy định thì thẩm phán không thể đứng ra tiến hành hòa giải vì phiên tòa đang diễn ra. Theo quy định pháp luật, nếu vụ việc có thể hòa giải trong thời gian chuẩn bị xét xử thì thẩm phán có thể hòa giải và ra quyết định hòa giải thành. Trong vụ cụ thể này, thủ tục hòa giải đã thực hiện nhưng không thành nên HĐXX đã đưa vụ án ra xét xử”, chủ tọa nói. Tuy nhiên, với nguyện vọng hòa giải của cả hai bên, HĐXX đã cho quay lại phần xét hỏi để xử lý các yêu cầu chính đáng. Sau đó, do các bên không thống nhất được phương án hòa giải nên vụ án vẫn xét xử bình thường.
Có thể nói, ở mỗi vụ việc, chủ tọa có những hướng xử lý khác nhau. Vậy quy định pháp luật liên quan đến hòa giải như thế nào? Nguyên Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Võ Văn Thêm cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án, dù phiên tòa đang ở giai đoạn nào thì cũng phải áp dụng những nguyên tắc cơ bản tại chương 2 của bộ luật Tố tụng dân sự 2015. “Một trong những nguyên tắc đó là đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. Ngoài ra, điều 10 của chương 2 về hòa giải trong tố tụng dân sự nêu tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự. Vì vậy, nếu thấy cần thiết để đảm bảo, duy trì mối quan hệ hôn nhân, chủ tọa sẽ giải thích, thuyết phục, hòa giải để các bên đương sự có thể thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện”, ông Thêm phân tích.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng bộ môn luật tố tụng dân sự - hôn nhân và gia đình Đại học Luật TP.HCM, khẳng định: “Thủ tục hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử là trách nhiệm của thẩm phán thụ lý vụ án. Tại phiên tòa, HĐXX vẫn được quyền hòa giải vì nguyên tắc chung trong án dân sự là ghi nhận sự hòa giải, thỏa thuận của các bên”. Phân tích cụ thể trường hợp ở phiên toàn ông Vũ - bà Thảo, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến nói: “Có lẽ mục đích của HĐXX là mong muốn các bên duy trì mối quan hệ hôn nhân, nhưng cái chưa được là đã gợi ý đương sự rút đơn khởi kiện. Hòa giải tức HĐXX đưa ra lý lẽ để các bên nhận thấy chưa đến mức phải ly hôn, nhưng quyền rút đơn hay không là quyền của đương sự. Chính việc không khéo trong cách thuyết phục dễ khiến dư luận hoặc đương sự có thể hiểu lầm thẩm phán không vô tư, khách quan trong xét xử”.

Trong thời kỳ hôn nhân vẫn được phân chia tài sản chung

Cũng tại phiên tòa, theo diễn biến hòa giải của HĐXX, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết dù ông Vũ không đồng ý bà vẫn rút đơn xin ly hôn, nhưng giữ nguyên yêu cầu phân chia tài sản chung.
Nếu đặt trường hợp các bên thống nhất không ly hôn nhưng vẫn yêu cầu chia tài sản chung thì tòa có giải quyết? Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa giải quyết theo điều 38 luật Hôn nhân gia đình. “Từ thời điểm chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có hiệu lực, phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó sẽ là tài sản riêng của vợ/chồng. Ngoài ra, việc phân chia tài sản này chỉ có giá trị đối với phần tài sản mà hai vợ chồng đã thống nhất phân chia”, luật sư Tuấn nhấn mạnh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.