Chưa cấp phép tuyển lao động sang Angola

23/05/2013 03:25 GMT+7

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ LĐ-TB-XH kiểm tra thông tin hàng vạn lao động người Việt bơ vơ tại Angola .

Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa xung quanh vấn đề này.

* Gần đây, tại Angola liên tiếp xảy ra những vụ lao động Việt Nam bị tai nạn lao động, cướp bóc..., song cũng có thông tin nhiều lao động giàu lên nhanh chóng nhờ đi làm tại thị trường này. Quan điểm của Bộ LĐ-TB-XH nên hay không đưa lao động sang thị trường này?

- Angola đúng là thị trường có tiềm năng, đặc biệt là gần đây sôi động dần lên do Trung Quốc và một số nước đầu tư vào, nên có nhiều việc làm, nhưng để làm được không phải dễ. Cách đây 3 - 4 năm, Bộ LĐ-TB-XH đã mời vị lãnh sự danh dự ở Mozambique, am hiểu về thị trường Angola - người đã từng đưa rất nhiều lao động sang Angola, cùng một số doanh nghiệp (DN) trong nước tìm cách đưa người lao động vào thị trường này hợp pháp. Tuy nhiên, sau mấy tuần trao đổi thì thấy bế tắc. Bộ cũng đã đặt vấn đề với Đại sứ Việt Nam tại Angola làm việc với các cơ quan chức năng của bạn cố gắng ký hiệp định hợp tác lao động, trong trường hợp không ký hiệp định, cũng có cách để đưa lao động hợp pháp sang. Song, Angola cũng chưa từng ký hiệp định lao động với với bất kỳ nước nào. Gần đây, Bộ đã cử một đoàn sang khảo sát. Thông tin của đại sứ quán cho thấy có 3 - 4 vạn người đang làm ăn sinh sống ở Angola, chủ yếu đi sang bằng con đường khác. Đại bộ phận là lao động nay làm việc này, mai làm việc khác. Không có chủ sử dụng chính thức. Visa có loại du lịch, một số không biết cách nào xin được visa lao động. Mấu chốt vấn đề là DN đưa lao động sang, hợp đồng phải đảm bảo các điều kiện của quy định pháp luật: việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo, điều kiện lao động đảm bảo; cũng như những điều kiện sinh hoạt tối thiểu khác phải đảm bảo...

* Nghĩa là sau thời gian 4 năm nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, đến thời điểm này vẫn chưa có DN nào được cấp phép đưa lao động sang Angola?

- Bộ không cấm, cũng không cấp phép. Cho đến giờ chưa có một hợp đồng nào đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên. Nhà nước đưa đi phải đảm bảo cho người lao động (NLĐ). Chúng ta đừng thấy chỗ này, chỗ kia kiếm được nhiều tiền mà sốt ruột, phải đảm bảo quản lý được NLĐ, đừng để họ làm một thời gian lại bỏ ra ngoài, thành lao động bất hợp pháp. Hiện nay bên đó có một số nghề như: nhận sửa chữa nhà cho dân có được khoản thu nhập rất cao, nhưng sau 1- 2 tháng, không biết sống thế nào? Nhà nước phải tính dài hơi. Do vậy, việc xem xét chặt chẽ hợp đồng là cần thiết. Hiện, Bộ đang xem xét một số hợp đồng có triển vọng. Đây là hợp đồng có chủ sử dụng thực sự là người Việt Nam.

Xử lý DN đưa lao động đi trái phép

* Bộ LĐ-TB-XH chưa cấp phép cho DN tuyển dụng lao động, nhưng phong trào sang Angola vẫn ngày một đông, trong đó có cả những DN chính thống công khai đăng tin tuyển trên mạng và truyền hình?

- NLĐ bị lợi dụng, dụ dỗ, theo tôi phải khuyến cáo cho họ. Nghe nói có việc làm, lương cao 1.500 - 1.700 USD ai chẳng mê, nhưng chỉ được 2 tháng đầu, 2 tháng sau lang thang,  không có tiền ăn uống, bất kể lúc nào cũng có thể ở trong tình trạng bất hợp pháp. Riêng với DN xuất khẩu lao động đưa lao động sang thị trường này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang kiểm tra. Nếu cố tình vi phạm thì phải xử lý. Trong trường hợp sai phạm nặng, bị rút giấy phép DN cũng phải chịu trách nhiệm đến NLĐ cuối cùng về nước.

* Hiện có một số lao động Việt Nam đang bị mắc kẹt tại Angola không thể về nước vì không có tiền, một số khác lo ngại tính mạng không được bảo vệ?

- Tôi sẽ kiểm tra vấn đề này qua cơ quan bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động tại nước ngoài là cơ quan lãnh sự. Nếu đúng là DN đưa đi, thì DN đó phải có trách nhiệm đưa lao động về và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Nếu tự đi, Bộ sẽ chỉ đạo để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan  để hỗ trợ NLĐ.

Chúng tôi đã đưa ra cảnh báo về thị trường này, đi thì có cơ hội này, và rủi ro là cái kia. NLĐ phải tìm hiểu kỹ, tự mình quyết định. Chúng tôi cũng sẽ nhắc nhở các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân muốn sang làm ăn sinh sống tại Angola phải chọn con đường hợp pháp để đảm bảo quyền lợi của mình. xuất khẩu lao động theo phong trào thì không bền vững...

Thu Hằng (thực hiện)

>> Hai lao động Việt Nam tử vong tại Angola
>> Ly kỳ hành trình thoát khỏi “động quỷ” ở Angola của thiếu nữ Việt
>> Vụ lao động bị sát hại: Đưa người sang Angola lao động chui
>> Chen lấn tại Angola, 10 người thiệt mạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.