Đã giải quyết xong và hoàn toàn yên tâm về Formosa rồi hay sao?

25/05/2017 19:35 GMT+7

Đây là câu hỏi ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan , Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đặt ra trong phiên thảo luận tổ chiều 25.5 về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và những tháng đầu năm 2017.

Theo ĐB Phong Lan, sự cố môi trường biển ở miền Trung do Công ty Formosa gây ra đã dẫn tới những thiệt hại lớn chưa từng có nhưng vấn đề này được đề cập “chưa tương xứng” trong báo cáo của Chính phủ trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội.
“Trong xử lý sự cố này, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tìm nguyên nhân, dự phòng các tình huống tiếp theo. Với tầm mức và những thiệt hại do Formosa gây ra thì sự cố này cần được quan tâm hơn trong báo cáo”, ĐB Phong Lan nói.
ĐB Phong Lan cho hay, đề cập đến vấn đề này, báo cáo của Chính phủ chỉ nói ngắn gọn việc năm 2016 tập trung các biện pháp hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn cho người dân, còn năm 2017 “báo cáo không còn dòng nào nói về vấn đề này”.
“Như vậy là đã giải quyết xong hết, yên tâm hết rồi hay sao? Trong khi chúng ta biết vấn đề này còn lâu dài, còn thiệt hại. Nếu không nhìn đúng tầm mức của nó, không đầu tư, thì trong tương lai có thể còn lặp lại. Tôi đề nghị Chính phủ phải làm rõ vấn đề này”, ĐB Phong Lan nêu quan điểm.
Chia sẻ góc nhìn tương đồng, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, một trong những nguyên nhân tác động lớn đến chỉ số GDP năm 2016 là ảnh hưởng do tác động của vấn đề môi trường, trong đó có sự cố Formosa.
“Vụ ô nhiễm môi trường biển do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra đã tác động nghiêm trọng ở cấp độ đa lĩnh vực, từ thuỷ sản, du lịch đến công nghiệp… Điều này cảnh báo chúng ta từ 2017 không để tái diễn vì nếu để xảy ra, lập tức tác động đến sự tăng trưởng của GDP. Tôi cho rằng Chính phủ cần đánh giá nghiêm túc hơn vấn đề môi trường trong báo cáo của mình và số liệu phải đầy đủ hơn”, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Đóng ý thêm cũng về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm vấn đề bảo vệ môi trường, thiên nhiên và di sản - vốn là những vấn đề nóng hiện nay.
“Chúng ta đo chỉ số này kia nói không có ô nhiễm nhưng lại đang tàn phá thiên nhiên, mà ví dụ là những vụ việc gần đây ở Sơn Trà, Cát Bà, Hạ Long, Sơn Đoòng”, ĐB Nghĩa dẫn chứng.
Theo ông Nghĩa, đây là những tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn, là tài sản của nhiều thế hệ trong hàng trăm năm. Giữ được những tài nguyên này có nghĩa là giữ được tiền của ở đó, GDP ở đó.
“Du khách người ta đến đây để tận hưởng thiên nhiên chứ không phải để xem những công trình bê tông hàng chục tầng hay như Sơn Trà xây hàng loạt biệt thự. Cái đó thế giới không thiếu”, ông Nghĩa bày tỏ.
Khai thác cát lậu tràn lan gây sạt lở nhưng không thấy giải pháp gì?
Cũng theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, nhiều năm qua đấu tranh chống khai thác cát lậu nhưng việc giải quyết dường như chưa có kết quả.
“Báo chí đăng tải việc xuất qua Singapore tới 67 triệu m3 cát lậu, còn trong nước bao nhiêu? Hậu quả 7 - 8 năm trước đã được phân tích rất nhiều, đến nay tình trạng sạt lở xảy ra khắp cả nước từ Bắc Ninh, Huế, Đồng Nai, Đồng Tháp... nhưng không thấy có giải pháp gì? Báo cáo của Chính phủ nói vài ba câu chống này chống kia nhưng cái chống đó đã nói bao nhiêu năm qua cũng không chống được”, ông Nghĩa băn khoăn.
Theo ông Nghĩa, Chính phủ phải kiểm điểm lại 10 năm qua về vấn đề khai thác cát. “Ai đã ra chủ trương? Chủ trương đúng hay sai? Nếu chủ trương đúng nhưng làm sai thì ai chịu trách nhiệm? Lợi ích thu được từ khai thác hàng trăm triệu tấn cát này trong đó có 67 triệu tấn bán qua Singapore là bao nhiêu? Đi vào túi ai? Ngân sách được bao nhiêu? Người dân được bao nhiêu? Tư nhân được bao nhiêu? Cái giá phải cho hàng trăm triệu tấn cát đào lên từ khắp các lòng sông các vùng miền là cái gì?”, ĐB Nghĩa đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.