Đấm vào khoảng trống

10/02/2012 03:01 GMT+7

Sau hơn một tuần áp dụng học lệch giờ dành cho học sinh phổ thông tại Hà Nội, niềm hy vọng về sự thông thoáng trên các ngả đường của thủ đô vào giờ cao điểm đã dần tan thành mây khói. Cảnh xe ùn thì vẫn cứ ùn, cảnh đường tắc thì vẫn chưa hết tắc, mặc dù ngành giao thông Hà Nội vẫn báo cáo nhanh rằng “mật độ giao thông vào giờ cao điểm đã giảm đáng kể”.

Có lẽ các quan chức ngành giao thông Hà Nội đã không nhìn thấy hoặc cố tình không thấy cảnh “hàng hàng lớp lớp” xe cộ ken dày, nhích từng centimet một trên một số tuyến đường như Giảng Võ, Đê La Thành, Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Nguyễn Thái Học… vào chính thời điểm mà những người chủ trương “học lệch giờ” hy vọng rằng sẽ không còn ùn tắc nữa. Đã vậy, nhiều điểm ùn tắc mới phát sinh do cảnh phụ huynh tập trung đưa đón con sau 5 giờ. Vậy là, “liều thuốc mạnh” của vị “tư lệnh” ngành giao thông nhằm “cắt cơn” ùn tắc không những không phát huy tác dụng mà trái lại còn gây thêm tác dụng phụ.

Hàng triệu phụ huynh có con em đang học phổ thông đã buộc phải điều chỉnh giờ giấc  sinh hoạt từ ăn uống, ngủ nghỉ đến vui chơi (nếu có) của mình vì phải lo “săn” con sau 19 giờ. Hàng ngàn giáo viên tiểu học cũng buộc phải nán lại trường thêm 30 phút để quản lý trẻ em vì nếu “buông lỏng quản lý” thì sẽ “gây hậu quả nghiêm trọng” ngay. Sau khi ngành giao thông và chính quyền thành phố chủ trương học lệch giờ, phụ huynh học sinh “thêm việc” đã đành, bản thân các em cũng buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới. Nhưng khốn thay, người lớn vốn quen chịu đựng mà còn xất bất xang bang với cảnh đưa đón “lệch giờ” nói gì các em. Nhiều cháu ngủ gà ngủ gật khi mới vừa tỏ mặt đã phải đến trường hoặc đói vã mồ hôi khi tan trường rồi mà bố mẹ vẫn còn “kẹt xe” đâu đó. Chưa có thống kê cụ thể về sự sụt giảm chất lượng trong học tập của các em sau khi áp dụng học lệch giờ này, nhưng chắc chắn rằng sự điều chỉnh giờ giấc đến trường và ăn uống của các em sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học tập, nhất là những học sinh cuối cấp phổ thông trung học. Người lớn đã buộc trẻ con phải chạy theo ý của mình với mong muốn sẽ mang lại cảm giác “dễ thở” hơn, thế nhưng trong cuộc “song hành” này, cả hai đều toát mồ hôi hột mà hiệu quả thì chẳng thấy đâu.

Điều đáng ngạc nhiên là việc cho học sinh học lệch giờ là một chủ trương lớn của ngành giao thông và của chính quyền thành phố, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc cũng như sức khỏe của hàng triệu người nhưng các chuyên gia hàng đầu trên lĩnh vực giao thông lại không được tham khảo ý kiến đóng góp. Các phát biểu trên báo mới đây của TS Nguyễn Xuân Thủy, người có thâm niên 30 năm trong ngành giao thông và TS Khuất Việt Hùng, Viện Quy hoạch và quản lý GTVT là rất đáng để cho các quản lý phải tham khảo một cách nghiêm túc và cầu thị.

Ai cũng biết, “tư lệnh” ngoài mặt trận là người chịu trách nhiệm cao nhất và cũng là người phát lệnh khai hỏa mỗi trận đánh, nhưng trước giờ nổ súng “tư lệnh” có tài giỏi đến đâu cũng phải tham khảo ý kiến của bộ phận tham mưu tác chiến chứ không thể một mình một ngựa lao ra sa trường được. Binh hùng tướng mạnh ra quân rầm rộ như thế mà không mang lại hiệu quả gì, dân gọi đó là “đấm vào khoảng trống” vậy.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.