Đập trên thượng nguồn Mê Kông ảnh hưởng mũi Cà Mau

19/04/2011 00:31 GMT+7

Người dân trong khu vực đang rất kỳ vọng một quyết định sáng suốt từ Ủy hội sông Mê Kông về vấn đề đập thủy điện Xayaburi.

 

Hạ lưu sông Mê Kông gần khu vực đề xuất xây đập - Ảnh: International Rivers

Hôm qua, một ngày trước khi Ủy hội sông Mê Kông (MRC) ra quyết định cuối cùng về dự án (DA) đập thủy điện Xayaburi, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA) đã tổ chức tọa đàm “Xayaburi và nguồn nước sông Mê Kông”.

Ông Đào Trọng Tứ, Ủy viên thường trực Mạng lưới cộng tác vì nước của VN kiêm Ủy viên Ban Cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, cảnh báo: “Xây dựng đập Xayaburi và 11 công trình thủy điện khác trên dòng chính hạ lưu vực sông Mê Kông sẽ gây tác động không thể bù đắp đối với kinh tế, xã hội và môi trường của VN và khu vực”.

Mũi Cà Mau mất dần

Cần sử dụng hợp lý nguồn nước Mê Kông

Hôm qua, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của VN trước việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê Kông trong đó có đập Xayaburi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác và sử dụng công bằng, hợp lý các nguồn tài nguyên, đặc biệt là nguồn nước Mê Kông. 

Nguyên Phong

Theo ông Tứ, việc xây đập này và 11 bậc thang thủy điện khác trên dòng chính hạ lưu vực sông Mê Kông sẽ không mang lại bất cứ một lợi ích nào cho ĐBSCL mà còn đe dọa trực tiếp đời sống của 20 triệu dân hiện nay, đe dọa an ninh lương thực quốc gia và khu vực. Tất cả 12 bậc thang thủy điện dự kiến là các thủy điện không điều tiết, chỉ phục vụ duy nhất một mục đích là phát điện, không có tác dụng điều hòa nguồn nước, giảm lũ mùa mưa và tăng dòng chảy mùa khô. Tuy nhiên chúng lại có tác dụng điều tiết ngày, nghĩa là trong mùa khô, các đập có thể giữ lưu lượng nước đến trong ngày, gây nên sự thay đổi dòng chảy, đặc biệt gây giảm dòng chảy mùa khô đến hạ lưu.

Ngoài ra, 12 đập thủy điện này sẽ biến hơn 50% chiều dài sông Mê Kông hạ lưu vực thành các vùng hồ nước có dòng chảy chậm, lượng phù sa lớn sẽ lắng đọng tại các vùng hồ và giữ lại 20 - 30% tổng lượng phù sa trôi về hạ du, gây bồi lấp và xói lở bờ. Ông Tứ cho rằng, mũi Cà Mau đang bị gặm mòn, phần nào có thể do các đập của Trung Quốc trên thượng nguồn giữ lại phù sa. Trong tương lai nếu 12 đập trên dòng chính được xây dựng thì tác động tiêu cực đến mũi Cà Mau là rất lớn. Về vấn đề này, ông Hồ Uy Liêm, Phó chủ tịch thường trực VUSTA, cũng lưu ý: “Một trong những lý do mũi Cà Mau bị bào mòn là phù sa về ngày càng ít, chắc là do 8 cái đập của Trung Quốc trên thượng nguồn Mê Kông. Nếu Xayaburi được xây sẽ mở đường cho một loạt đập khác xuất hiện trên dòng chính thì mũi Cà Mau sẽ ra sao?”.

Ai hưởng lợi?

Ông Tứ cho biết thêm: “Tất cả thủy điện dự kiến đều do các nhà đầu tư tư nhân hoặc các tập đoàn nhà nước của nước ngoài đầu tư, xây dựng, vận hành và chuyển giao. Mặc dù Lào sẽ thu được 70% lợi ích về điện, tương đương 2,6 tỉ USD/năm từ các công trình trên dòng chính nhưng trong 25 - 30 năm đầu, phần lớn lợi ích bằng tiền chảy vào tay nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài, không phải chính phủ hay nhân dân Lào”.

Ông Đào Trọng Tứ cho rằng, Lào có nhiều tiềm năng thủy điện trên các chi lưu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia ít gây tác động môi trường xuyên biên giới thay cho phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Kông. VN đang tham gia xây dựng nhiều thủy điện trên dòng nhánh Mê Kông ở Lào và việc tăng cường hỗ trợ nước bạn nghiên cứu và xây dựng các thủy điện khác trên dòng nhánh có thể được xem như giải pháp cùng có lợi.

Quang Duẩn

Liên quan đến việc tham gia đầu tư xây dựng các công trình thủy điện trên dòng Mê Kông của Trung Quốc, theo ông Tứ, nước này đã có hệ thống 8 - 15 hồ chứa lớn trên dòng chính thượng nguồn và sẽ đầu tư xây dựng, nắm giữ và vận hành 4 - 5 nhà máy thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực. Ông Tứ cho rằng Trung Quốc sẽ là quốc gia chiếm lợi thế toàn diện về kinh tế, tầm ảnh hưởng và khống chế nguồn nước và tác động môi trường đến các quốc gia hạ lưu, đặc biệt là ĐBSCL. Theo ông, Trung Quốc đầu tư xây nhà máy điện ở khu vực hạ lưu Mê Kông “để bán điện cho VN và Thái Lan nhưng còn có rất nhiều mục tiêu khác”, ông Tứ lưu ý.

Vô trách nhiệm

Làn sóng phản đối tiếp tục dâng cao đối với việc Lào và chủ đầu tư SEAN & Ch.Karnchang Public (Thái Lan) âm thầm xúc tiến xây dựng đập Xayaburi. Ngoài ra, các chuyên gia và tổ chức quốc tế cũng lên án SEAN & Ch.Karnchang Public về những thiếu sót “nghiêm trọng” và “vô trách nhiệm” trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của đập Xayaburi do tập đoàn này công bố hồi tháng rồi. Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Guy Lanza thuộc ĐH Massachusetts Amherst (Mỹ), cho rằng báo cáo trên có rất nhiều điểm tự mâu thuẫn, không rõ ràng và không chấp nhận được dưới góc độ chuyên môn.

Hôm 17.4, tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng hàng loạt bức ảnh cho thấy dù hôm nay mới là ngày ra quyết định cuối cùng của MRC nhưng việc xây dựng hệ thống đường chính dẫn đến khu vực xây đập đã bắt đầu từ tuần trước. Chủ đầu tư cũng đang tiến hành giải tỏa và đền bù cho người dân xung quanh. Tờ báo dẫn lời một số người địa phương cho hay nhiều người chỉ được đền bù 15 USD.

Quang Duẩn - An Điền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.