Đất nước qua 30 năm đổi mới: Đổi mới là bức thiết, là sống còn

25/01/2016 13:15 GMT+7

Chúng ta đều biết, cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt Nam đã nảy sinh từ cuối thập niên 1970 do cải tạo tư sản ở miền Nam đã đi quá đà. Rồi thì do chiến tranh biên giới Tây Nam và sau đó lan ra biên giới phía Bắc buộc chúng ta phải đối phó vô cùng tốn kém tài lực. 

Cố Tổng bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2 - Ảnh: TTXVNCố Tổng bí thư Trường Chinh đang thăm hỏi các chiến sĩ nông nghiệp tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần 2 - Ảnh: TTXVN
Kéo dài gần 10 năm trời, khủng hoảng càng gay gắt hơn sau khi cuộc đổi tiền năm 1985 thất bại và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế...
Trước tình trạng khó khăn triền miên về kinh tế của đất nước, ngay từ năm 1984, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đã có những chuyến "vi hành" thực sự bổ ích ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Ông đã thấy được cả cái hay lẫn cái dở của nó dưới cơ sở. Đồng chí, đồng bào cả nước gửi lên ông những lá thư tâm huyết, đọc mà không thể cầm nổi nước mắt. Họ nói lên nỗi cơ cực của địa phương, đơn vị mình đang gặp phải. Đó là những bế tắc, những rào cản của cơ chế cũ đã tỏ ra lỗi thời cần sớm thay đổi...Tất cả buộc ông phải nhìn lại và cho rằng đó chính là những sai lầm tả khuynh duy ý chí của một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu quá trì trệ.
Phát biểu tại một hội nghị cán bộ cao cấp ngày 10.7.1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh khi đó đã thẳng thắn nêu vấn đề: “Trong lúc này chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết?”. Rồi ông đã phân tích, chỉ ra những sai lầm: “Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội quý báu... Liên Xô viện trợ trong mười năm qua hàng chục tỉ rúp, nhưng với cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, ăn không nên làm không ra, chúng ta cứ rút dần, rút mòn mỗi năm vài trăm triệu rúp để chi cho tiêu dùng xã hội, cho bao cấp và bù lỗ, vài trăm triệu rúp khác thì rải ra trên rất nhiều công trình xây dựng”.
Đây quả là một câu chuyện khó lý giải ở một nhà lý luận tư tưởng vốn bị ấn tượng một thời là người có "tư tưởng bảo thủ" như ông.
Năm 1986, khi đó tôi đang làm báo trong quân đội với cấp quân hàm đại uý. Tuy lương và phụ cấp cao nhưng cuộc sống chẳng dễ chịu gì cho dù chưa phải nuôi ai. Tôi nhớ, để tiết kiệm được món tiền tậu một chiếc xe đạp nội cà tàng khung Sài Gòn thôi, tôi phải chắt bóp hàng năm trời mới mua nổi nó. Khi ấy, ra các cửa hàng kim khí ở Hà Nội chầu chực để mua dần dần từng thứ phụ tùng vào mỗi sáng chủ nhật rảnh rỗi. Phải xếp hàng dài và chen lấn đến dễ sợ, vậy mà nhiều khi đến lượt lại hết hàng... Cơ chế của một nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung và quan liêu đã cản trở xã hội phát triển trong thời bình quả là ghê gớm.
Ông Đặng Xuân Kỳ, con trai cả của ông Trường Chinh, phó Viện trưởng Viện Triết học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội (sau Đại hội 6 thì ông Đặng Xuân Kỳ là Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng rồi khoá 7 là Ủy viên T.Ư Đảng) kể với tôi việc ông đã tham gia giúp cha mình cùng một nhóm chuyên gia giỏi hình thành tư duy ban đầu cho công cuộc Đổi mới.
Giai đoạn đó, cha ông đã trưng tập các nhà khoa học có khát vọng đổi mới đến dinh Chủ tịch nước 1-2 ngày mỗi tuần để thảo luận những gì họ tìm hiểu và thu hoạch được từ thực tế đời sống đang bề bộn khó khăn, thậm chí bế tắc. Tổ nghiên cứu, giúp việc cho ông Trường Chinh lúc đó chỉ có rất ít người chuyên trách mà hầu như chỉ là kiêm nhiệm.
Như vậy, Đại hội 6 được tiến hành trong bối cảnh rất xấu, khi mà tất cả lĩnh vực kinh tế đều lâm vào tình trạng khủng hoảng và lòng dân thì không yên.
Thời gian này, Tổng bí thư Lê Duẩn đang lâm trọng bệnh mà việc chuẩn bị nội dung văn kiện và nhân sự cho Đại hội 6 thì chẳng còn bao nhiêu thời gian. Sau khi ông Lê Duẩn qua đời, ông Trường Chinh được Trung ương bầu giữ chức Tổng bí thư (14.7.1986) khi đã 79 tuổi, cái tuổi đã gấp đôi so với thời ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công vào năm 1945.
Ông mạnh tay giải quyết một loạt vấn đề cả về tổ chức lẫn về thay đổi quan điểm, tư duy kinh tế chuẩn bị cho Đại hội 6. Thời gian Đại hội thì đã cận kề, chỉ còn 5 tháng, song ông quyết định viết lại toàn bộ văn kiện Đại hội. Ông nêu những băn khoăn rất đúng: tại sao trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội vẫn thấy tên nhưng vị lãnh đạo đã từng mắc sai lầm trong cải cách giá - lương - tiền, trong khi đó những người có tư tưởng đổi mới đổi mới thì vắng bóng trong đề cử?
Một êkip mới các chuyên gia giỏi về nhiều lĩnh vực được điều động về Văn phòng Trung ương để viết lại dự thảo báo cáo chính trị đã được hình thành. Bộ phận này do ông Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách và nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bí thư Trường Chinh. Một cách làm chưa có tiền lệ.
Phát "pháo lệnh" đầu tiên dọn đường cho tư tưởng Đổi mới được TBT Trường Chinh đưa ra khi ông đến dự Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ 10 (10.1986). Tại đây, lần đầu tiên ông chính thức phát đi thông điệp: " Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Yêu cầu đó vừa là đòi hỏi bên trong của nước ta, vừa phù hợp với xu thế của thời đại...."
Hồi ký của giáo sư triết học Trần Nhâm, người thư ký riêng (nay gọi là trợ lý) của TBT Trường Chinh, đồng thời là người tham gia trong tổ nghiên cứu đặc biệt phục vụ đề án đổi mới do ông Trường Chinh trực tiếp chỉ đạo đã nhận xét: "Trong một thời điểm bước ngoặt, tất yếu sẽ xuất hiện các nhân vật lịch sử có chí lớn, có trí tuệ hơn người để giải quyết các vấn đề trọng đại mà cuộc sống đặt ra. Trường Chinh chính là con người như thế..." (Trường Chinh, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam - NXB Chính trị QG; HN.2012-trang 432).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.