Đề nghị Chính phủ kiểm điểm việc 30 nghìn tỉ vốn ODA chưa phân bổ kịp thời

17/05/2017 17:51 GMT+7

Đây là đề xuất được Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đưa ra trong báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Báo cáo này được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày tại phiên họp cho ý kiến (lần 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quyết toán NSNN năm 2015 chiều 17.5.
Trước đó, tại phiên họp thứ 9 (4.2017), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên tại phiên họp trên, các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban TCNS của Quốc hội chưa thống nhất được với nhau về số liệu và có một số vấn đề cần làm rõ thêm.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước sức sép của các nhà tài trợ và để thúc đẩy giải ngân dự án và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã cho phép giải ngân theo tiến độ thực hiện và đã báo cáo Quốc hội cho bổ sung dự toán 30 nghìn tỉ đồng theo ước giải ngân.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cho biết, ngay sau phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19.4.2017 về quyết toán NSNN năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 551/QĐ-TTg ngày 21.4.2017.
Tại quyết định này Thủ tướng đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài) nguồn ngân sách T.Ư năm 2015 để phân bổ kế hoạch vốn ODA tăng thêm cho các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm đầy đủ số tiền 30.000 tỉ đồng theo dự toán đã được Quốc hội cho phép bổ sung dự toán chi năm 2015.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, như vậy đã đủ căn cứ pháp lý để quyết toán khoản 30.000 tỉ đồng nêu trên. Tuy nhiên, theo Ủy ban TCNS, một số dự án ODA vẫn phải chuyển nguồn sang năm 2016 (897,085 tỉ đồng) và chuyển nguồn sang năm 2017 (97,242 tỉ đồng).

tin liên quan

Bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay
Thủ tướng khẳng định VN coi trọng và cam kết luôn bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay của cộng đồng quốc tế nói chung và WB nói riêng. 
“Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng này, bảo đảm thi hành các nghị quyết của Quốc hội cũng như các quy định của luật NSNN”, ông Nguyễn Đức Hải nói.
5.847 tỉ đồng chưa được hoàn thuế
Cũng tại báo cáo thẩm tra Ủy banTCNS đã cho ý kiến về khoản hoàn thuế giá trị gia tăng chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi NSNN.
Ủy ban TCNS cho rằng, việc chưa chi trả số tiền 5.847 tỉ đồng cho người nộp thuế theo các quyết định hoàn thuế năm 2015 là không bảo đảm tính kịp thời theo quy định, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người nộp thuế. Do đây là số tiền thực tế chưa hoàn năm 2015 nên Ủy ban TCNS, Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất phải tính giảm vào số thu NSNN năm 2016.
Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng chuyển số hoàn thuế giá trị gia tăng đã có quyết định hoàn thuế sang năm sau thực hiện, bảo đảm phản ánh đúng thực chất số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu cân đối NSNN.
Kết thúc phiên thảo luận báo cáo về quyết toán NSNN năm 2015, với đa số ý kiến tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN 2015 với các chỉ tiêu: tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.291.342 tỉ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.502.189 tỉ đồng, bội chi ngân sách nhà nước là 263.135 tỉ đồng, bằng 6,28% GDP.

Dư nợ Chính phủ đã chạm trần 50% GDP
Tại báo cáo, Ủy ban TCNS cũng nêu rõ các chỉ số dư nợ công, dư nợ nước ngoài của quốc gia vẫn trong giới hạn cho phép nhưng dư nợ Chính phủ đã chạm trần là 50% GDP, nợ công là 61,8% GDP. Công tác quản lý nợ công của Chính phủ được Ủy ban TCNS đánh giá còn những hạn chế như: không lập báo cáo giám sát nợ và bản tin nợ công năm 2015; theo dõi, thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, chính xác; 14/46 địa phương được kiểm toán có mức dư nợ vượt 30% vốn đầu tư xây dựng ngân sách cấp tỉnh...
Ngoài các khoản nợ công đã tính toán theo quy định, số ứng trước kế hoạch vốn từ ngân sách T.Ư phải thu hồi đến hết năm 2015 còn lớn (79.499 tỉ đồng, bằng 40,8% kế hoạch đầu năm) nhưng chưa được thu hồi, đồng thời vẫn xảy ra tình trạng một số địa phương ứng trước dự toán chưa đảm bảo tuân thủ đúng với nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rút kinh nghiệm, tăng cường quản lý chặt chẽ nợ công, ứng trước dự toán và tồn ngân kho bạc bảo đảm minh bạch, hiệu quả, an toàn tài chính quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.