Di vật Gạc Ma

14/03/2017 13:28 GMT+7

Một số di vật của những liệt sĩ hy sinh ngày 14.3.1988 trên tàu HQ-604 ở vùng biển Gạc Ma, được vớt lên vào tháng 8.2008 đang lưu cất tại Lữ đoàn 125, Bộ tư lệnh (BTL) vùng 2 Hải quân (Q.2, TP.HCM).

Cách đây 29 năm, sáng ngày 14.3.1988, trên vùng biển Gạc Ma (Trường Sa), các tàu chiến đấu của Hải quân Trung Quốc đã sử dụng các loại súng pháo, bất ngờ tấn công lực lượng công binh Việt Nam đang củng cố tôn tạo trên bãi đá và bắn cháy, bắn chìm tàu vận tải quân sự HQ-604 (Lữ đoàn 125 Hải quân) chở vật liệu xây dựng đang neo đậu cạnh đó.
Cũng trong sáng 14.3.1988, các tàu vận tải quân sự HQ-605, HQ-505 của Hải quân Việt Nam neo đậu ở khu vực Len Đao, Cô Lin cũng bị các tàu chiến Trung Quốc đồng loạt tấn công gây cháy, chìm. Phía Trung Quốc cưỡng chiếm đảo Gạc Ma. Lực lượng Hải quân Việt Nam hy sinh 64 cán bộ chiến sĩ, 9 người bị bắt làm tù binh; tàu HQ-604 chìm sát bãi Gạc Ma; tàu HQ-605 chìm cạnh bãi Len Đao; tàu HQ-505 bị bắn cháy lao lên Cô Lin ủi bãi.
Tư trang cá nhân của các liệt sĩ không còn nguyên vẹn vì vết cứa của mảnh đạn pháo Ảnh: Mai Thanh Hải
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó tham mưu trưởng vùng 4 Hải quân kể lại: "Chiều 13.3.1988, từ đảo Đá Đông, chúng tôi nhận lệnh xuống tàu HQ-614 hành quân sang khu vực Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao. Dọc đường đi, liên tục bị 2 tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 502, 503 ngăn cản, phá sóng liên lạc với đất liền nên tốc độ rất chậm. Chiều 14.3.1988, chúng tôi mới tới đảo Sinh Tồn và biết tin quân ta bị tấn công, Gạc Ma bị cưỡng chiếm. Ngay sau đó, chúng tôi đưa anh em thương binh lên đảo Sinh Tồn cứu chữa. Sáng 15.3, chúng tôi ra chỗ tàu ta bị bắn chìm. Theo vết dầu nổi lên, chúng tôi xác định được vị trí HQ-605 chìm cạnh Len Đao, liền thả neo đánh dấu và chạy quanh Gạc Ma tìm tàu HQ-604. Lúc này, phía Trung Quốc đã dựng 1 cái chòi nhỏ trên bãi Gạc Ma".
Đại tá Dân kể tiếp: "Tàu HQ-614 chúng tôi tìm đến gần 12 giờ trưa thì 2 tàu khu trục Trung Quốc lao đến, ngăn không cho vào gần Gạc Ma nên không xác định được vị trí tàu HQ-604 chìm. Chúng tôi đoán HQ-604 thả neo ở tây nam Gạc Ma, khi bị bắn thì chìm rất sâu nên không thấy vết dầu nổi".
2 khẩu tiểu liên AK bị ăn mòn, chỉ còn bộ phận thân - nòng súng Ảnh: Mai Thanh Hải
Đúng 20 năm sau, vào ngày 10.8.2008, một tàu cá Quảng Ngãi khi đang đánh bắt trên vùng biển Cô Lin - Gạc Ma đã phát hiện 1 tàu vận tải quân sự chìm ở độ sâu 21 m nước, cách đảo Cô Lin 3,7 hải lý và cách đảo Gạc Ma khoảng 1 hải lý.
Thời điểm này, tàu Thành Công 07 (chuyên đi lặn tìm phế liệu sắt thép từ các tàu bị đắm) đang có mặt gần Gạc Ma nên Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân nhận định có thể là tàu HQ-604 bị chìm ngày 14.3.1988 và tàu Thành Công tiến hành thăm dò.
Sau chuyến lặn ban đầu, tàu Thành Công 07 báo cáo hiện trạng con tàu chìm có chiều dài khoảng 45 m, rộng 7,5m, cao 6,5m, tàu có 2 khoang, giữa có 1 trụ cẩu; kiểm tra sơ bộ 1 khoang thấy có 6 xương ống chân và nhiều xương vụn.
Các thợ lặn cũng bàn giao cho đảo 1 số di vật vớt trên tàu gồm 1 khẩu súng B41, 3 quả đạn B41, 1 cuốc chim và 2 chiếc dép nhựa trắng Tiền Phong... Nhận thấy các di vật trùng với số hiệu vũ khí, quân trang trên tàu HQ-604, Sở Chỉ huy Quân chủng Hải quân động viên các thợ lặn giúp đỡ tìm kiếm.
Ngày hôm sau (11.8.2008), thủy thủ tàu Thành Công 07 thực hiện nhiều đợt lặn tìm di vật và quy tập hài cốt liệt sĩ trong tàu. Tuy nhiên, đến gần trưa, thợ lặn Phạm Vinh (quê ở thông Đông, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị nhồi máu cơ tim khi lặn nên tàu Thành Công 07 phải bỏ dở cuộc tìm kiếm, bàn giao di vật, hài cốt và chở thi hài anh Vinh về đất liền mai táng.
Vỏ hà bám chặt vào chiếc quần dài màu cỏ úa Ảnh: Mai Thanh Hải
Một cán bộ đảo Cô Lin thời điểm tháng 8.2008 cho biết: Trong quá trình ngư dân tìm lặn, lính Trung Quốc trên đảo Gạc Ma liên tục bắn pháo hiệu, thậm chí còn gọi tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 557 trực gần đó chạy đến hòng húc tàu Thành Công 07...
Cũng theo thông báo của thợ lặn, trong tàu HQ-604 còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ nằm rải rác và một số đã được quy tập, chờ đưa lên nhưng không thành. Số hài cốt đưa lên đã được ngành chức năng xét nghiệm AND và xác định danh tính của 8/64 liệt sĩ.
Một số bộ phận trên ca bin lái bi rời ra Ảnh: Mai Thanh Hải
Những di vật được vớt lên tháng 10.2008 đã được đưa về đất liền, trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Hải quân và nhà truyền thống Lữ đoàn 125, BTL vùng 2 Hải quân để mãi nhắc nhở các thế hệ mai sau về sự kiện 14.3.1988.
Chiếc dép nhựa Tiên phong (bên phải) và dép lê (trái), hai trong số những di vật được tìm thấy ở Gạc Ma
2 chiếc bát ăn cơm sứt sẹo rơi trong khoang được tìm thấy
Năm 1988, những chiếc thắt lưng thế này là của hiếm
Di vật của một chiến sĩ ở Gạc Ma
Quần gabadin xanh, kiểu trang bị cho Hải quân Liên Xô (cũ)
Trong tư trang của những người lính tàu có cả chiếc săm xe đạp
Báng súng tiểu liên AK
Súng B41 móp méo, bầm dập bởi đạn pháo định và hoen rỉ vì nước mặn
Chiếc ống nhòm hầu như nguyên vẹn
Máy thông tin vô tuyện điện chỉ còn vài nút vặn
Thiết bị hàng hải
Thiết bị hầm máy
Những cuộn dây điện, phích cắm trong hệ thống điều khiển tàu HQ-604
Hòm đựng súng AK của đảo Cô Lin dùng để đựng di vật liệt sĩ, đưa vào đất liền

tin liên quan

29 năm còn nhớ như in
Đài tưởng niệm các liệt sĩ thuộc Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân) nằm cạnh cầu cảng quân sự Cát Lái (Q.2, TP.HCM), đến ngày 14.3 là đông nghẹt cán bộ chiến sĩ đơn vị, cùng các cựu chiến binh Trường Sa ở khắp mọi miền Tổ quốc tìm về thắp hương cho người hy sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.