Đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột: Khả năng thắng kiện rất cao

04/11/2011 00:58 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Phạm Vũ Khánh Toàn (ảnh), Trưởng văn phòng luật sư Phạm và Liên danh, đơn vị được UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột chọn làm đại diện để khiếu kiện hủy bỏ hiệu lực hai đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên bên lề hội thảo về bảo vệ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức tại Đắk Lắk ngày 3.11, ông Toàn nhận định:

 
Ảnh: T.N.Q

Cơ sở để khẳng định chúng ta thắng kiện dựa trên quy định tại điều 16 luật Nhãn hiệu hàng hóa của Trung Quốc. Theo quy định này, trường hợp nhãn hiệu hàng hóa có chứa chỉ dẫn địa lý dùng cho hàng hóa đó, mà hàng hóa không phải từ khu vực tương ứng và lừa dối công chúng thì nhãn hiệu đó phải bị từ chối đăng ký và cấm sử dụng.

Một văn phòng luật sở hữu trí tuệ có uy tín ở Trung Quốc cũng đã khẳng định với chúng tôi, do việc cà phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận và đăng ký là chỉ dẫn địa lý ở VN nên hai đăng ký nhãn hiệu Trung Quốc “BUON MA THUOT và các Hán tự” và “BUON MA THUOT COFFEE 1986 và hình” dưới tên của Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd. có thể bị hủy bỏ hiệu lực.

Vậy chúng ta sẽ phải chứng minh phía doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký nhãn hiệu Buôn Ma Thuột một cách không trung thực, thưa ông?

Chúng ta phải chứng minh là doanh nghiệp đó đã từng đến Buôn Ma Thuột, liên hệ mua bán cà phê với doanh nghiệp địa phương, biết đến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nên đăng ký nhãn hiệu này nhằm mục đích chiếm đoạt. Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột sẽ cung cấp các chứng cứ về vấn đề này. Còn có cách chứng minh họ không trung thực ở chỗ, Buôn Ma Thuột là địa danh của VN, là chỉ dẫn địa lý của VN. Thứ nữa là từ “Buôn Ma Thuột” dịch sang tiếng Trung Quốc là từ vô nghĩa. Như vậy, chứng tỏ họ biết chỉ dẫn địa lý của ta nhưng phiên âm sang tiếng Trung để đăng ký, chiếm đoạt.

Hơn nữa, cà phê Buôn Ma Thuột đã được VN cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2005; trong khi đến năm 2010, 2011, họ mới đăng ký ở Trung Quốc. Trong trường hợp này mình đã đăng ký trước.

Vì sao ông nói là khả năng thắng kiện cao nhưng lại cho rằng thời gian giải quyết có thể kéo dài từ 2-3 năm?

Cũng như luật Sở hữu trí tuệ của VN quy định thẩm định đơn khiếu nại trong vòng một năm, nhưng thực tế thường kéo dài hơn thời gian quy định. Ở Trung Quốc cũng vậy, thời gian để xem xét, xử lý một vụ khiếu kiện như thế này rất lâu, người ta lấy lý do công việc quá nhiều lại thiếu người xử lý nên kéo dài đến 2-3 năm. Nếu có tác động của cơ quan ngoại giao của ta thì họ sẽ ưu tiên, thay vì lần lượt xem xét thì sẽ đưa đơn của mình xử lý trước.

Chúng ta phải cố gắng khiếu nại thành công ở Hội đồng khiếu nại và xét xử thuộc Tổng cục Quản lý hành chính công thương của Trung Quốc, tránh đưa vụ việc ra tòa án xét xử, vừa mất thời gian vừa tốn kém nhiều hơn.

Phương án bảo vệ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại nước ngoài

Theo ông Trần Hữu Nam, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột phải tiến hành đồng thời hai việc: yêu cầu hủy bỏ hiệu lực các đăng ký nhãn hiệu có chứa chỉ dẫn địa lý “Buôn Ma Thuột” của DN Trung Quốc và đăng ký chỉ dẫn địa lý này vào Trung Quốc dưới hình thức nhãn hiệu tập thể.

Ở các nước khác, tùy pháp luật từng quốc gia về sở hữu trí tuệ, có thể đăng ký dưới nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý. Trường hợp chưa chuẩn bị xong tài liệu để đăng ký theo các hình thức trên, có thể đăng ký chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột dưới dạng nhãn hiệu thường theo Hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (Hệ thống Madrid). Đây là giải pháp tạm thời để ngăn chặn người khác đăng ký.

Trần Ngọc Quyền
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.