Đồng Nai: Công nhân phản ứng vì không được hưởng lương nghỉ, ngừng việc

Lê Lâm
Lê Lâm
22/07/2021 17:58 GMT+7

Phản ánh đến Báo Thanh Niên, công nhân Công ty TNHH Shin Heung Đồng Nai thắc mắc vì sao những trường hợp không lưu trú tại công ty thì phải nghỉ phép năm và nghỉ việc riêng, không được hưởng lương nghỉ, ngừng việc.

Ngày 21.7, Công ty TNHH Shin Heung Đồng Nai nằm trong khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (H.Long Thành, Đồng Nai) ra thông báo về việc tổ chức cho công nhân lưu trú tại công ty để thực hiện phương án “3 tại chổ” theo yêu cầu của UBND tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, thời gian thực hiện lưu trú là từ 20 giờ 30 phút ngày 21.7. Công ty sẽ sắp xếp chỗ ngủ, ăn (3 bữa/ngày) chỗ tắm giặt, vệ sinh… Ngoài tiền lương, tiền tăng ca theo luật định, mỗi công nhân còn được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày (chủ nhật cũng được tính). 
Đối với các trường hợp như đang bị cách ly y tế, đang ở vùng phong tỏa, phụ nữ đang trong giai đoạn thai sản, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi được hưởng lương tối thiểu vùng, tương đương 170.000 đồng/ngày; thanh toán tối đa 14 ngày. Từ ngày 14 nghỉ không lương.
“Còn những công nhân không đồng ý lưu trú tại công ty thì viết phép năm và nghỉ phép việc riêng. Trong đó ưu tiên sử dụng phép năm 2021 trước, nếu hết sẽ bắt đầu tính nghỉ phép việc riêng.” Nội dung thông báo khiến nhiều công nhân thắc mắc, cho rằng quyền lợi chưa đảm bảo.

Bản tin Covid-19 ngày 22.7- Cả nước 6.194 ca mới, TP.HCM có thể áp dụng 16+ ở vùng nguy cơ

Trao đổi vấn đề này, luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai phân tích: Theo quy định pháp luật phép năm là do người sử dụng lao động bố trí trên cơ sở trao đổi với người lao động.
Về mặt tiền lương, công nhân nghỉ việc riêng là không tính lương rồi. Nếu công ty bố trí cho công nhân nghỉ việc riêng và không tính lương là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Vì tại khoản 3, điều 99, Bộ luật lao động quy định người lao động trong trường hợp bị ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc. Trong đó mức lương ngừng việc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng trong thời gian 14 ngày đầu, từ ngày 15 có thể thỏa thuận nghỉ không lương.
“Trường hợp này chúng ta phải hiểu rằng chính quyền yêu cầu người sử dụng lao động phải bố trí phương án “3 tại chổ” để phòng chống dịch Covid-19. Nhưng người lao động do điều kiện, hoàn cảnh không thể ở lại được, và theo quy định pháp luật người lao động chỉ làm việc 8 giờ tại công ty, ngoài thời gian đó được về. Nên được hiểu là nghỉ ngừng việc và được hưởng lương ngừng việc. Vì vậy công ty thông báo như trên là chưa phù hợp.”, luật sư Hà nói.
Trước đó, ngày 20.7, UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định tăng thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đến hết ngày 1.8. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp tại 7 địa phương đã xuất hiện dịch trong khu công nghiệp gồm: TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, H.Vĩnh Cửu, H.Nhơn Trạch, H.Thống Nhất, HTrảng Bom và H.Thống Nhất phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, tức lưu trú tại công ty; và “1 cung đường, 2 địa điểm”, tức xe đưa rước đưa công nhân từ nơi tập trung đến nơi làm việc. Nếu không phải dừng hoạt động để đảm bảo phòng dịch Covid-19.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.