Đồng Nai lập ban chỉ đạo 'giải cứu' chuối cho nông dân

05/03/2017 09:00 GMT+7

Ngày 4.3, UBND tỉnh Đồng Nai đã họp khẩn với các ban ngành và quyết định thành lập ban chỉ đạo “giải cứu” chuối cho nông dân.

Còn hơn 10.000 tấn chuối chưa có đầu ra
Bà Hoàng Thị Bích Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai, cho biết trên địa bàn hiện có 780 ha chuối già hương, trong đó 351 ha sắp vào vụ thu hoạch (cuối tháng 3) với sản lượng khoảng 18.000 tấn. Hiện tại, 8.000 tấn chuối ở H.Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất và TX.Long Khánh đã có doanh nghiệp (DN) và thương lái liên hệ thu mua (giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg); còn 9.100 tấn chuối ở H.Trảng Bom và 1.000 tấn chuối ở H. Xuân Lộc chưa có đầu ra.
"Chúng tôi đã liên hệ với một số cơ sở thu mua, chế biến trái cây khô trên địa bàn đặt vấn đề giúp nông dân tiêu thụ chuối già hương nhưng kết quả không như mong đợi. Do chuối già hương sấy khô chất lượng không cao, độ ngọt thấp, chưa có thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, để có 1 kg chuối già hương sấy khô cần đến 8 kg chuối tươi, hiệu quả không bằng việc sấy chuối sứ và chuối bom", bà Hằng phát biểu. Mới đây, vào ngày 3.3, Hội Nông dân đưa người của Công ty Sejong (Hàn Quốc) về xã Thanh Bình (Trảng Bom) để giúp thu mua, xuất qua Hàn Quốc nhưng đối tác "chê" chuối của người dân ở đây trồng trái cong, kích thước không đều (đầu buồng trái to, cuối buồng trái nhỏ) và còn bị đốm đen.
Nằm trong kế hoạch tìm nguồn tiêu thụ chuối cho nông dân, Sở Công thương cũng đã lấy mẫu chuối ở H.Trảng Bom đưa đi xét nghiệm ở Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, kết quả không phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật. Trên kết quả đó, vào ngày 1.3, có 2 DN ở TP.HCM đặt vấn đề thu mua chuối tươi, sơ chế, hút chân không để xuất ra nước ngoài.
Từ thực trạng trên, Hội Nông dân lẫn Sở Công thương cho rằng cần có kế hoạch tiêu thụ số lượng chuối 10.100 tấn sắp cho thu hoạch tại ở Trảng Bom và Xuân Lộc.
Biểu dương chiến dịch “Chuối nghĩa tình”
Vào giữa tháng 2, khi thấy giá chuối ở Đồng Nai rớt thảm hại vì thị trường Trung Quốc ngưng thu mua, nông dân phải đổ bỏ cho dê, bò ăn; Hội LHTN VN tỉnh Đồng Nai đã phát động chiến dịch mang tên “Chuối nghĩa tình”. Theo đó Hội đã đứng ra mua với giá 4.000 đồng/kg và bán ra 8.000 đồng/kg (lợi nhuận được Hội LHTN VN tỉnh Đồng Nai cam kết dùng làm các công tác xã hội, khám bệnh phát thuốc cho người dân sau này). Sau 7 ngày triển khai (từ 20 - 26.2), Hội LHTN VN tỉnh Đồng Nai đã tiêu thụ được 34 tấn chuối. Ngoài ra, còn kết nối với khoảng 20 DN, cơ quan, đơn vị mua chuối cho nông dân. Chiến dịch sau đó tạo nên làn sóng truyền thông ủng hộ chuối Đồng Nai không chỉ trong tỉnh mà còn lan sang TP.HCM và các địa phương lân cận. Nhờ đó mà một lượng lớn chuối trong dân được tiêu thụ, các thương lái cũng bắt đầu tăng giá thu mua.
Có mặt tại buổi họp, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Văn Tư biểu dương chiến dịch “Chuối nghĩa tình” nhằm “giải cứu” hàng chục tấn chuối cho nông dân. Đồng thời hoan nghênh các đoàn thể đã nhiệt tình ủng hộ, góp phần đưa chiến dịch lan rộng, tạo làn sóng truyền thông ủng hộ chuối Đồng Nai không chỉ trong tỉnh mà còn ở TP.HCM và các địa phương lân cận. "Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, không chỉ chuối mà các sản phẩm nông nghiệp khác khi triển khai thực hiện cũng phải tính toán, dự báo được nhu cầu tiêu thụ để kịp thời cảnh báo người dân. Tránh việc dân đổ xô nuôi trồng dẫn đến cung vượt quá cầu, giá cả tuột dốc", ông Tư phát biểu.
Còn giải pháp trước mắt, theo ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai quyết định thành lập ban chỉ đạo “giải cứu” cho nông dân, giao Giám đốc Sở Công thương làm trưởng ban. Ông Chánh đề nghị: "Ban chỉ đạo cần nhanh chóng thống kê chính xác diện tích, sản lượng chuối già hương sắp chín của từng địa phương, đã bán được bao nhiêu; bao nhiêu tấn cần hỗ trợ... để có giải pháp tháo gỡ số chuối còn lại cho nông dân. Sở Công thương có trách nhiệm làm việc với các chợ đầu mối, các đơn vị cung cấp suất ăn tập thể, các thương lái và DN để tìm cách tiêu thụ chuối; Liên đoàn Lao động tỉnh tham gia, vận động các chủ DN, công ty trên địa bàn thu mua, ủng hộ chuối của người dân". Cuối cùng ông Chánh thừa nhận, chính quyền và các sở ngành còn chậm chạp, bị động và ứng phó còn dở khi giá chuối tuột dốc, người nông dân lao đao.
"Chuối nghĩa tình" lan rộng nhiều nơi
Tại Tây Ninh, khoảng 385,3 ha chuối cũng đang vào vụ thu hoạch nhưng cũng không có DN thu mua. Theo ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, UBND tỉnh đã giao Sở chủ trì, phối hợp với hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn Nam Trạng, Công ty CP Doanh nhân Tây Ninh, đồng thời liên kết với các đơn vị trường học trong tỉnh, Sư đoàn bộ binh 5, tỉnh đội... để đưa chuối vào các bếp ăn tập thể, nhằm giải quyết lượng chuối trước mắt cho nông dân. Tỉnh đoàn Tây Ninh cùng lực lượng thanh niên cũng góp tay hỗ trợ, bán chuối giúp nông dân. Bước đầu triển khai đã tiêu thụ hơn 10 tấn chuối.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi hay tin người dân xã Tân Lâm và Bàu Lâm (H.Xuyên Mộc) trồng khoảng 70 ha chuối mà thương lái không đến mua nên để chín rục trong vườn, nhóm tình nguyện Sunlife (TP.Vũng Tàu) đã đến tận rẫy thu mua để giảm bớt khó khăn cho người dân. "Ngoài bán chuối tại địa điểm cố định, nhóm của tôi còn lên mạng xã hội kêu gọi bạn bè cùng tham gia mua chuối giúp nông dân”, chị Nguyễn Thị Minh Hiền, thành viên nhóm tình nguyện Sunlife cho hay. Ngày 4.3, anh Lê Văn Minh, Bí thư Tỉnh đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đã gặp gỡ trao giấy khen, động viên các nhóm tình nguyện viên "giải cứu" chuối. Anh Minh cho biết: "Vào những ngày cuối tuần, các nhóm tình nguyện viên đã giúp nông dân bán khoảng 50 tấn chuối. Hiện nay, còn khoảng 1.000 tấn chuối của bà con chưa bán được. Các nhóm tình nguyện hứa tiếp tục giúp nông dân".
G.Phương - N.Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.