Dự kiến bầu khoảng 200 ủy viên BCH Trung ương khóa XI

11/01/2011 00:10 GMT+7

* Bầu trực tiếp Tổng bí thư hay không sẽ do Đại hội quyết định * Gặp người tự ứng cử vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XI Dự kiến Đại hội (ĐH) Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ bầu khoảng 200 người vào Ban Chấp hành (BCH) T.Ư, sẽ có khoảng 17 Ủy viên Bộ Chính trị.

Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Trần Lưu Hải cho biết thông tin này khi trả lời phóng viên Thanh Niên về số lượng Ủy viên Bộ Chính trị khóa tới bên lề cuộc họp báo về ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI, sáng 10.1 tại Hà Nội.

ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ chính thức khai mạc ngày 12.1 (phiên họp trù bị diễn ra trước đó 1 ngày, ngày 11.1) và kéo dài hết ngày 19.1. Tại cuộc họp báo, vấn đề nhân sự T.Ư khóa XI được báo chí trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Liên quan đến câu hỏi có bầu Tổng bí thư trực tiếp tại ĐH XI hay không, ông Trần Lưu Hải cho biết, vừa rồi ĐH Đảng bộ cơ sở (3 cấp xã, huyện, tỉnh) đã tiến hành thí điểm bầu trực tiếp chức danh Bí thư (riêng ĐH Đảng cấp xã bầu trực tiếp chức danh Bí thư, Phó bí thư, Ban Thường vụ). “Cũng đã có suy nghĩ có nên bầu trực tiếp Tổng bí thư tại ĐH hay không nhưng hiện tại Điều lệ Đảng khóa X chưa có quy định nên việc bầu trực tiếp Tổng bí thư hay không là do ĐH quyết định. Nếu đa số ĐB muốn bầu Tổng bí thư trực tiếp tại ĐH thì ĐH sẽ tiến hành bầu”, ông Hải nói.

Về câu hỏi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh có tham gia tiếp khóa tới hay không, ông Hải cho biết "theo quy định của Đảng CSVN thì đồng chí Tổng bí thư làm không quá hai nhiệm kỳ. Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã làm hai nhiệm kỳ rồi, tuổi đồng chí cũng cao, năm nay 71 tuổi, nên đồng chí xin rút không tham gia BCH T.Ư khóa tới".

Về số dư trong danh sách bầu BCH T.Ư khóa XI, theo ông Hải, tại ĐH Đảng các cấp, số dư trong danh sách bầu BCH ít nhất 15%, Ban Thường vụ ít nhất 20%. ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng vậy, sẽ giới thiệu số dư ít nhất 15% so với tổng số được bầu vào BCH T.Ư Đảng.

Cũng theo ông Hải, đến thời điểm này, tiểu ban nhân sự ĐH mới nhận được hồ sơ cá nhân tự ứng cử duy nhất của ông Nguyễn Xuân Kiên, sinh năm 1966, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học nghiệp vụ và tư liệu Ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng thư ký Hội đồng Khoa học các ban Đảng T.Ư.

Trao đổi bên lề với báo giới, ông Hải thông tin: BCH T.Ư khóa XI dự kiến có 175 ủy viên chính thức (và ủy viên dự khuyết 25 người - PV). Việc bỏ phiếu tín nhiệm bầu Ủy viên BCH T.Ư sẽ thực hiện tại ĐH chính thức.

Vinashin không phải là chủ đề đưa ra tại ĐH

Vấn đề của Vinashin đã được các cơ quan chức năng của T.Ư xem xét, làm rõ cho nên đây không phải là chủ đề đưa ra tại ĐH. Còn việc có thảo luận tại ĐH hay không thì do ĐB đưa ra hay không. (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông Sa Như Hòa trả lời câu hỏi của một phóng viên quốc tế)

1.377 đại biểu dự ĐH XI

Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Bắc Son cho biết, ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI có sự tham dự của 1.377 đại biểu, đại diện cho 3,6 triệu đảng viên. Cũng theo ông Bắc Son, ĐH lần này sẽ quán triệt quan điểm: tăng tỷ lệ trẻ, tỷ lệ nữ, tỷ lệ cán bộ người dân tộc, tỷ lệ cán bộ khoa học trong BCH T.Ư khóa XI, bảo đảm có tính kế thừa, số mới không dưới 1/3 và có 3 độ tuổi (dưới 40, dưới 50-55 và độ tuổi 60 - pv)”.

Dứt khoát không đa nguyên, đa đảng

Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng. Việt Nam đã có lúc đa đảng, tức là năm 1946, khi chúng tôi Tổng tuyển cử lần đầu tiên thì cũng có mấy đảng tham gia, nhưng sau khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam thì chỉ có Đảng CSVN cùng với nhân dân Việt Nam kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc. Bây giờ Đảng CSVN vẫn đang tiếp tục lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. (Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Đinh Thế Huynh trả lời câu hỏi của phóng viên hãng AFP tại cuộc họp báo)

Tất cả góp ý xác đáng đều được tiếp thu nghiêm túc

Trong một tháng rưỡi lấy ý kiến nhân dân về các văn kiện trình ĐH XI, chúng tôi đã nhận được hàng vạn ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết của nhân dân, cả ở trong nước cả kiều bào ta ở nước ngoài với mong muốn xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh và đất nước ta ngày càng phát triển. Việc tiếp thu ý kiến đã được các cơ quan của Đảng tổng hợp và báo cáo Hội nghị T.Ư 14. Tất cả ý kiến xác đáng, có chất lượng đều được tiếp thu hết sức nghiêm túc. (Ông Nguyễn Văn Thạo, Phó văn phòng T.Ư Đảng)

Người duy nhất tự ứng cử vào BCH T.Ư khóa XI

TS Nguyễn Xuân Kiên sinh ngày 1.8.1966, vào Đảng năm 1988, khi còn là sinh viên Đại học Sư phạm I Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, ĐH Sư phạm, TS Kiên được giữ lại trường giảng dạy. Năm 1994, làm nghiên cứu sinh kinh tế chính trị, làm luận án TS tại Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, đến 1999 thì bảo vệ luận án TS. Tháng 2.2002, TS Kiên được về công tác tại Vụ Khoa học Xã hội (Ban Khoa giáo T.Ư trước đây) và trải qua nhiều cương vị công tác cho đến hiện nay. Ông đã từng là Bí thư Đoàn khối Ban Khoa giáo T.Ư và hiện đang tham gia BCH của Hội LHTN VN.

Ông Kiên là người duy nhất tự ứng cử vào BCH T.Ư khóa XI cho đến thời điểm này.

TS Nguyễn Xuân Kiên, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học nghiệp vụ và tư liệu Ban Tuyên giáo T.Ư nói rằng “muốn đóng góp những ý tưởng vào quản lý kinh tế” để lý giải về quyết định tự ứng cử vào BCH T.Ư khóa XI.

Lý do khiến ông quyết định tự ứng cử vào BCH T.Ư khóa tới là gì?

Thứ nhất vì tôi muốn đóng góp cho Đảng và Nhà nước những ý tưởng về quản lý kinh tế, những kiến thức tôi đã dày công nghiên cứu 20 năm qua. Thứ hai là cũng muốn có gì đó đổi mới trong hoạt động bầu cử, ứng cử của Đảng, vì trong Điều lệ của Đảng cho phép đảng viên tự ứng cử.

Theo ông thì vì sao số người tự ứng cử vào BCH T.Ư còn quá ít, liệu do cơ hội thành công của người tự ứng cử trên thực tế chưa nhiều hay do cơ chế cho phép tự ứng cử vẫn còn vướng mắc?

Thực ra thì cơ chế hiện nay trong Điều lệ Đảng đã cho phép cơ hội tự ứng cử, và cơ hội đó là bình đẳng. Thế nhưng, có lẽ do tâm lý người ta vẫn cảm thấy ngại. Để khắc phục tâm lý e ngại tự ứng cử, tôi nghĩ công tác cổ vũ tuyên truyền cần được làm kỹ hơn. Mặt khác, dũng khí của đảng viên cần được trui rèn, đảng viên phải dám chịu trách nhiệm trước những công việc lớn.

Ông đã từng nghĩ đến việc tự ứng cử hay đã nộp đơn tự ứng cử lần nào trước lần nộp đơn này và quyết định tự ứng cử với ông có khó khăn, trở ngại gì không?

Đây là lần đầu tiên tôi nộp đơn ứng cử. Tôi thấy quyết định tự ứng cử thời điểm này là phù hợp. Cơ hội của hôm nay, vận hội của đất nước đang đặt ra và thực sự có thể tạo điều kiện để cho những người mạnh dạn, có năng lực và điều kiện để có thể nắm bắt và nghĩ đến việc phải rèn luyện kiến thức, phương pháp làm việc để có thể đảm nhận được vai trò quản lý nhà nước ở nhiều góc độ khác nhau.

Hơn nữa, tâm lý của mọi người dân, mỗi đảng viên và các cấp lãnh đạo Đảng,

Nhà nước rõ ràng đã có những đổi mới so với trước. Chính điều đó thôi thúc tôi tự tin hơn khi quyết định tự ứng cử.

Bảo Cầm (thực hiện)

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.