Dự thảo bộ luật Hình sự 'siết' hành vi gây ô nhiễm môi trường

21/02/2017 06:38 GMT+7

Sáng qua (20.2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên họp liên quan dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự.

Phiên họp do Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì. Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn về dự án luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH Lê Thị Nga nhấn mạnh quan điểm nhất quán của nhà nước VN là không chấp nhận đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 95/BCA-V19 ngày 18.1.2017 của Bộ Công an thì tình trạng “gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất”.
Theo bà Nga, nếu quy định như điều 235 của bộ luật Hình sự năm 2015 về mức độ xả thải ra môi trường thì nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận thời gian qua cũng không thể xử lý hình sự được.
Vì vậy, để bảo đảm nghiêm trị các hành vi gây ô nhiễm môi trường, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Bộ Công an và một số bộ ngành, dự thảo luật mới dự kiến chỉnh lý một bước theo hướng hạ thấp một số mức định lượng về môi trường được quy định tại điều 235 của bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, bà Nga cũng cho biết do đây là nội dung chuyên ngành sâu, nhưng hiện nay chưa có sự thống nhất của một số bộ, ngành chuyên môn nên Ủy ban Tư pháp sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan; đồng thời đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này.
Xin lại ý kiến về tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố
Về đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu quan điểm của Chính phủ là nên quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân liên quan các tội danh trên. Ông Long cho hay trước đây khi xây dựng luật, vấn đề này đã được báo cáo với Bộ Chính trị. Tuy nhiên, vào thời điểm đó Bộ Chính trị đã không chấp thuận việc này do vậy trong bộ luật Hình sự năm 2015 không có 2 tội danh trên. Ông Long cho biết Bộ Tư pháp sẽ báo cáo cùng với báo cáo tổng thể của Chính phủ để Ủy ban Thường vụ QH xin lại ý kiến Bộ Chính trị về 2 việc này.
Bày tỏ đồng tình với việc cần bổ sung 2 tội danh này, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng hiện nay các hoạt động của định chế tài chính vượt khuôn khổ quốc gia. Theo đó nếu xảy ra trường hợp các ngân hàng VN bị phát hiện có liên quan đến việc chuyển tiền của các tổ chức khủng bố hoặc tham gia rửa tiền thì sẽ bị xếp hạng ngân hàng kém, thậm chí bị phạt nặng đến hàng trăm triệu USD. “Vấn đề này nằm trong nhiều khuyến cáo của quốc tế về chống rửa tiền, chống khủng bố nên đưa vào bộ luật Hình sự 2 tội danh này của pháp nhân là cần thiết”, ông Bình nói.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể vấn đề này với Ủy ban Thường vụ QH, QH để xin ý kiến Bộ Chính trị.
Không phải TP.HCM muốn có “vương quốc” riêng
Chiều 20.2, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách, tài chính - ngân sách đặc thù cho TP.HCM. Phát biểu tại phiên họp, ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng bày tỏ thành phố rất mong muốn làm thế nào thu vượt ngân sách, đóng góp nhiều cho ngân sách. Liên quan đến quy định về mức thưởng vượt thu, tại tờ trình, Chính phủ đề nghị trong trường hợp tăng thu ngân sách T.Ư từ các khoản thu trên địa bàn, TP.HCM sẽ được thưởng không quá 30%. Ông Thăng cho rằng mức thưởng 30% hay bao nhiêu không quan trọng, nhưng TP.HCM đề nghị QH và Chính phủ cho thành phố chủ động nhất về thu chi trong khuôn khổ để có thể thu được nhiều ngân sách hơn. “Không phải thành phố muốn có "vương quốc" riêng mà mong muốn tự chủ nhiều hơn, làm ra nhiều tiền hơn", Bí thư Thăng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.