Đưa vấn đề Hoàng Sa ra công luận thế giới

20/01/2016 08:00 GMT+7

Ngày 19.1 tại Đà Nẵng diễn ra Hội thảo góp ý nội thất Nhà trưng bày Hoàng Sa với mục đích đưa những bằng chứng về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa cũng như hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa trái phép của Trung Quốc ra công luận thế giới.

Nâng tầm bảo tàng chứng tích
Hội thảo do Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, UBND H.Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) chủ trì.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết dự kiến hơn 500 tài liệu hiện vật bố trí tại 3 tầng Nhà trưng bày Hoàng Sa với 5 chủ đề, gồm hệ thống hình ảnh, hỗ trợ đa phương tiện, kết hợp sa bàn, bản đồ, người xem nếu cần có thể bấm nút in ra bản sao để phục vụ nghiên cứu.
Tầng 1 có phòng đại sảnh và chủ đề “Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên”. Trung tâm là hồ nước thông tầng tưởng niệm nghĩa binh Đội Hoàng Sa thời chúa Nguyễn, tái hiện thả thuyền giấy Hải đội Hoàng Sa “Khao lề thế lính”. Ngọn đuốc Hoàng Sa ở đây mang ý nghĩa thắp lửa đấu tranh bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa, bên cạnh các bảng trích khẳng định ý chí chủ quyền VN của nhiều nguyên thủ.
Nhà trưng bày được xây dựng theo phương án kiến trúc “Con dấu chủ quyền của đất nước VN” (nhóm tác giả Fuminori Minakami - Nhật Bản, Trần Quốc Thành, Nguyễn Huy Quang) đoạt giải cuộc thi tuyển nhà trưng bày Hoàng Sa 2014. Khởi công từ tháng 12.2015, Nhà trưng bày nằm trên khu đất gần 1.300 m2 ngay trước biển Đà Nẵng, tổng vốn đầu tư 40 tỉ đồng, 1 tầng trệt, 3 tầng nổi, cao 18 m, hiện đang thi công phần thô, dự kiến hoàn thành tháng 4.2016.
Tầng 2 có 2 chủ đề: “Bằng chứng chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa - thời các chúa Nguyễn” và “Hoàng Sa trong thư tịch cổ của VN thời nhà Nguyễn 1802 - 1945”, tuyển chọn những bằng chứng đắt giá nhất của Đại Việt, phương Tây và chính Trung Quốc để khẳng định Hoàng Sa của người Việt.
Tầng 2 tái dựng Âm linh tự, nơi thờ tiền hiền khai phá đảo và những gia tộc hào kiệt ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa như tộc Võ Văn, Võ Xuân, Phạm Văn, Phạm Quang, Lê, Nguyễn...
Tầng 3 có chủ đề “Bằng chứng chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa 1945 - 1975” và “Bằng chứng chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa 1974 - nay”, những bằng chứng Trung Quốc đâm chìm, tấn công tàu cá ngư dân VN ở Hoàng Sa, những tình cảm của chính khách, trí thức và thế giới ủng hộ lập trường chính nghĩa của VN, tư liệu của nhân chứng Hoàng Sa.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cho biết đối diện nhà trưng bày còn có công viên trưng bày tàu cá ĐNa 90152 đầy thương tích do bị tàu Trung Quốc cố ý đâm chìm tháng 5.2014 nhằm tố cáo tội ác Trung Quốc đối với ngư dân VN.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa, gợi mở nên xây bể nước và tàu cá ĐNa 90152 nằm giữa, có cầu ra tàu để khách xuống tham quan, có ngọn hải đăng trước mũi tàu và sa bàn về Hoàng Sa phải có cát, sản vật lấy từ Hoàng Sa cho sinh động, và cần có phần kết thúc hành trình tham quan với bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, để khẳng định thái độ dứt khoát Hoàng Sa là của VN mà các thế hệ sau phải giành lại.
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, đề nghị trong tương lai nhà trưng bày phải trở thành bảo tàng, đi vào hệ thống bảo tàng VN và thế giới. Ông Đặng Công Ngữ cho rằng, nhà trưng bày sẽ nâng tầm quy mô, là nền tảng để phát triển thành bảo tàng chứng tích đúng nghĩa.
Nhiều hoạt động hấp dẫn
PGS-TS Ngô Văn Minh nhấn mạnh, tư liệu, hiện vật nhà trưng bày phải đảm bảo tiêu chí chứng tỏ người Việt phát hiện Hoàng Sa sớm nhất theo nguyên tắc thủ đắc lãnh thổ, hành xử chủ quyền có cơ sở vật chất hẳn hoi và liên tục, phù hợp pháp lý quốc tế hiện nay, đồng thời đưa hình ảnh Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và chứng minh tính bất hợp pháp này bằng luật pháp quốc tế.
Đối với nguồn bản đồ, PGS Minh cho rằng nên đính kèm các bản đồ chứng minh lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, hoặc bản đồ Trung Quốc thể hiện Hoàng Sa, Trường Sa của VN kèm các tư liệu thành văn để tăng sức mạnh pháp lý.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy và ông Trần Quang Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng, cùng nêu quan điểm, nhà trưng bày chủ yếu là tư liệu thành văn, hấp dẫn với nhà nghiên cứu nhưng với du khách, người dân, trẻ em thì chưa chắc, nên cần chú giải, thuyết minh lôi cuốn.
Ở góc độ tiếp thị bảo tàng, ông Võ Văn Thắng hiến kế, đơn cử với trẻ em thì không thể giới thiệu pháp lý mà cho khám phá tài nguyên biển Hoàng Sa, tường thuật trận hải chiến 1974 Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Âm linh tự cũng có thể thành địa chỉ tâm linh thu hút và đặc biệt nhà trưng bày phải có các hoạt động thường xuyên như tái hiện Lễ khao lề thế lính, lễ hội cầu ngư, có hoạt động để kéo Hoàng Sa về đất liền, du khách sẽ đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.