Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ: 'Không cấm, chỉ quy định không mặc quần jeans'

07/09/2017 14:05 GMT+7

'Không cho cán bộ mặc quần jeans đi làm vì nó có nguồn gốc là trang phục của dân lao động, chăn bò, chăn cừu', ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Cần Thơ, nói về quy định cấm quần jeans ở công sở.

Sở Nội vụ Cần Thơ là đơn vị tham mưu soạn thảo Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của TP.Cần Thơ; trong đó có quy định công chức không được mặc quần jean, áo thun đi làm. Quy tắc trên gây ra nhiều tranh cãi sau khi được Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ ký ban hành hôm 1.9.
*Thưa ông, ông có thể giải thích rõ hơn về quy định này của TP.Cần Thơ?
- Ông Nguyễn Hoàng Ba: Xuất phát từ yêu cầu thực tế của TP.Cần Thơ, vả lại hiện nay Chính phủ chưa có quy định chung về quy tắc ứng xử cho từng địa phương mà chỉ yêu cầu các địa phương tự ban hành, từ đó, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND TP.Cần Thơ ban hành quy tắc ứng xử đối với tất cả cán bộ công chức của TP.Cần Thơ.
Sở cũng đã làm đúng theo quy trình quy định là gửi cho các địa phương và sở, ban, ngành từ thành uỷ, HĐND, UBND, các ban của HĐND để lấy ý kiến về bản quy tắc ứng xử, trong đó có nội dung không cho cán bộ, công nhân viên của TP.Cần Thơ mặc quần jeans, áo thun.
* Xin ông cho biết thêm về lý do áo thun, quần jeans các loại đều không được chấp nhận?
- Trước khi soạn thảo, chúng tôi đã có nghiên cứu, tham khảo các tài liệu thì thấy quần jeans có xuất xứ từ các nước Châu Âu, dành cho những người lao động để người ta mặc đi lao động, sản xuất hoặc là đi chăn bò, chăn cừu. Cho nên là áp dụng vào TP.Cần Thơ và cả Việt Nam thì không phù hợp với loại trang phục này.
Và nội dung không cho cán bộ mặc quần jeans, áo thun đi làm là quy định phù hợp với tình hình TP.Cần Thơ trong điều kiện kinh tế - xã hội của một thành phố loại 1, trực thuộc Trung ương.
* Ông có thể nói rõ hơn sự “không phù hợp” của quần jeans, áo thun ở đây không?
- Vì nó xuất phát từ các nước Tây âu, nó không phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam nói chung, trong đó có TP.Cần Thơ.
Ông Nguyễn Hoàng Ba, Giám đốc sở Nội Vụ TP.Cần Thơ trả lời phỏng vấn báo chí về nội dung không cho cán bộ mặc quần jeans, áo thun Ảnh Đình Tuyển
* Theo ông, đối với một số đơn vị sự nghiệp mà cán bộ, công chức ở đó ít khi tiếp xúc với người dân, ví dụ như lĩnh vực văn hoá chẳng hạn, thì việc không cho mặc quần jeans, áo thun có khắt khe và áp đặt quá không?
- Nói chung là chúng tôi đã gửi cho các sở, ngành rồi họ phổ biến cho các đơn vị thì các sở ngành không có góp ý gì. Các đơn vị sự nghiệp thì cũng phải tuân thủ theo quy chuẩn này vì đây là dành cho tất cả cán bộ công nhân viên của TP.Cần Thơ. Tất cả phải chấp hành. Tuy nhiên, trong những lúc ngoài giờ, thứ bảy, chủ nhật, ban đêm ban hôm thì cũng uyển chuyển vì nó là ngoài giờ.
* Một số doanh nghiệp may mặc đã phát triển mạnh sản phẩm áo thun có bâu (áo thun có cổ - PV) để mặc công sở rất lịch thiệp, liệu rằng mẫu áo này có được chấp nhận?
- Nói chung là hạn chế hết. Mình chỉ đạo toàn thể cán bộ công nhân viên không mặc áo thun, quần jeans khi đi làm.
* Được biết ông không đồng tình khi một số thông tin mấy ngày qua đăng là “cấm” không mặc quần jeans, áo thun?
- Mấy hôm nay, một số cơ quan báo, đài có điện thoại cho tôi nhưng tôi chưa có trả lời chính thống gì cả. Một số cơ quan đăng là cấm thì không chính xác vì trong văn bản hành chính không có dùng từ cấm mà là “không mặc quần jeans, áo thun các loại (kể cả nam và nữ)”.
Một công chức đang tiếp dân Ảnh: Diệp Đức Minh
* Nếu không phải là “cấm” vậy ông đánh giá tính thuyết phục của quy tắc này thế nào và trong trường hợp cán bộ không làm theo thì có bị xử lý?
- Tôi nghĩ là nó thuyết phục vì đã lấy ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành. Trên thực tế số người mặc áo thun, quần jeans nơi công sở cũng không có nhiều. Hiện nay, xu thế của cán bộ công chức là ăn mặc hài hoà, lịch sự, đẹp, tạo sự ấn tượng trang trọng về hình ảnh của cán bộ công chức. Còn áo thun, quần jeans thì nhiều khi màu mè không đẹp.
Riêng về xử lý, quy tắc này có quy định về biện pháp chế tài. Thứ nhất là nhắc nhở, thứ 2 là không chấp hành thì kiểm điểm mà nếu nặng hơn thì xử theo quy định pháp luật, căn cứ theo điều khoản của luật mà xử.
* Quy định khung của Chính phủ chưa ban hành, vậy việc áp dụng theo các hình thức xử lý có đảm bảo trình tự, quy định pháp luật không?
- Nó phù hợp vì mình đã xử lý theo từng bước một.
* Xin hỏi cá nhân một chút là ông có bao giờ mặc quần jeans không?
- Bản thân tôi thì không có mặc quần jeans. Từ khi làm việc nhà nước đến giờ gần 30 năm rồi, tôi không có mặc quần jeans bao giờ.

tin liên quan

Các quy tắc ứng xử dễ 'chết yểu'
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định Bộ quy tắc ứng xử áp dụng cho công chức và Bộ quy tắc ứng xử áp dụng nơi công cộng mà Hà Nội dự kiến ban hành sẽ sớm trở nên không có tác dụng.
Nhiều tỉnh, thành cũng cấm công chức mặc quần jeans, áo thun
Theo Quyết định số 2346/QĐ-UBND của UBND TP.Cần Thơ về việc ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước của TP.Cần Thơ.
Tại mục 2, điều 3 (về những việc cán bộ, công chức phải làm), chương 2 quy định trang phục làm việc tại công sở hoặc trong thời gian thực thi nhiệm vụ, công vụ (trường hợp không có quy định riêng đồng phục của ngành):
a) trang phục gọn gàng, lịch sự, kín đáo; kiểu dáng, màu sắc nhã nhặn, phù hợp với hoàn cảnh và đặc thù công việc cụ thể:
Nam: áo sơ mi, quần tây (cho áo vào quần), sử dụng giày hoặc dép có quai hậu.
Nữ: áo sơ mi, quần tây, áo dài, váy, đầm công sở, comple, áo có tay.
b) không mặc quần jeans, áo thun các loại (kể cả nam và nữ).
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, việc xây dựng và ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp khối nhà nước đã được nhiều tỉnh thành, như: Tiền Giang, Lào Cai, Ninh Thuận…
Tuy nhiên, một số nơi có quy định cán bộ, công nhân viên chức không mặc quần jeans, áo thun trong giờ làm việc nhưng rõ nghĩa hơn. Cụ thể như Tiền Giang quy định: Nam không mặc quần áo bò (jeans), áo thun thể thao, quần áo ngủ, nhàu nát; không đi giày thể thao, đội mũ trong khi làm việc.
Còn tỉnh Lào Cai thì quy định: không mặc quần áo bò, áo phông không có cổ, quần áo ngủ, nhàu nát, quần áo có in hình chữ.
Theo tôi, tự ý thức bản thân người cán bộ đã biết mình nên mặc gì cho phù hợp với điều kiện công việc. Tốt nhất là nên có lời khuyến cáo cán bộ nên ăn mặc lịch thiệp là đủ chứ đưa ra quy định như vậy rồi chế tài sẽ cho một cảm giác áp đặt, ngột ngạt. Đó cũng chính là điều người ta phản ứng với quy định này.
Chưa kể, có những mẫu quần jean, áo thun giản dị rất lịch thiệp chứ không hẳn là “bụi bặm” hầm hố, thiếu lịch sự gì cả. Nhiều người chọn quần jeans, áo thun còn bởi nó phù hợp với hình thể của họ và cảm thấy thoả mái với nó.
Cá nhân tôi thấy, thái độ và hiệu suất làm việc của người cán bộ nên được quan tâm nhiều nhất. Chuyện ăn mặc chỉ nên phát huy tính tự giác của mỗi người chứ không nên áp đặt theo suy nghĩ chủ quan của những người có quyền soạn thảo ra quy định.
Anh T.T.G. 
(Một công chức của TP.Cần Thơ)

Nhà thiết kế thời trang Chương Đặng (TP.HCM), tên tuổi gắn với thương hiệu thời trang riêng Kujean - chuyên về đồ jeans và áo dài cách điệu.
Việc giới hạn công chức, viên chức mặc quần jeans, áo thun cũng hợp lý vì theo cách nhìn về thiết kế, nhiều mẫu mã jeans có thể không phù hợp với diện mạo của công chức.
Cũng khá khó khi đòi hỏi cùng lúc ở jeans phải vừa đẹp, vừa lịch sự, trang trọng. Phải là người biết nhiều và có kinh nghiệm sử dụng chất liệu này mới có thể lựa chọn an toàn, thanh lịch nhất cho người đi làm công sở. Nhưng trong thực tế, không phải ai cũng biết lưạ chọn. Chính vì những rủi ro về mặt thẩm mỹ nên chuyện có suy nghĩ loại bỏ nguy cơ triệt để cũng rất dễ hiểu, không lạ.
NTK Chương Đặng Ảnh: Phan Quang
Một yếu tố khác nữa là chất liệu denim cũng như thun luôn nằm trong danh mục những trang phục phản ứng nhanh với thị trường thời trang, mỗi năm những lại có những mẫu thiết kế mới, chính vì vậy sẽ là một thách thức nếu đòi hỏi một chuẩn mực, đồng bộ, ổn định đối với trang phục jeans, thun cho công sở.
Việc hạn chế một loại trang phục như jeans cần phải có sự thấu đáo hài hoà, chi tiết và thuyết phục hơn để tránh những cảm giác áp đặt vì không thể kiểm soát. Quy định một loại đồng phục, hay đề xuất một bộ ứng xử cho tập thể suy cho cùng vẫn là một việc làm đòi hỏi cả nghệ thuật giao tiếp, dẫn dụ và lãnh đạo. Một người chỉ có thể lao động và cống hiến tốt nhất khi họ mặc bộ đồng phục và cảm thấy tự hào, trân trọng, và đồng cảm sâu sắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.