Góc nhìn phóng viên: Trường lớn đã 'dễ dãi' đầu vào?

05/06/2019 06:05 GMT+7

Năm 2017, sau khi nhiều “lò sản xuất” tiến sĩ kém chất lượng bị phanh phui, Bộ GD-ĐT đã siết mạnh việc tuyển sinh và đào tạo bậc học này bằng quy chế mới.

Số lượng người theo học tiến sĩ ở các trường sụt giảm không phanh, có những trường đại học (ĐH) lớn chỉ còn chưa tới 10 người/năm.
Trong những hội thảo chuyên môn bàn về vấn đề này, đại diện các trường đều chỉ ra rằng, số người có nguyện vọng làm nghiên cứu sinh không giảm nhưng rất ít đáp ứng được điều kiện đầu vào: bài báo khoa học và IELTS 5.0.
Để giải bài toán này, ở nhiều trường lớn lập tức triển khai chương trình dự bị tiến sĩ - một hình thức “luyện” đầu vào cho các nghiên cứu sinh với học phí có nơi trên 43 triệu đồng/khóa (không tính kinh phí đi lại, ăn ở của giảng viên).
Các lớp học này đáp ứng đồng thời nhiều nhu cầu: người học được học, trường học có người học. Nếu chỉ dừng ở đó thì chương trình dự bị tiến sĩ vẫn chỉ là một hình thức ôn luyện đầu vào cho các nghiên cứu sinh. Nhưng ngay ở một số trường lớn, học viên dự bị còn được học tới 50% chương trình đào tạo chính thức, sử dụng kết quả nghiên cứu trong quá trình dự bị cho chương trình chính thức. Thật nhiều lo ngại nếu các lớp học này được triển khai trong thực tế vì không gì chắc chắn rằng sẽ không có sự du di, qua loa nào cho các học viên “nợ đầu vào” này.
Nhưng đáng buồn hơn khi mà việc làm sai quy chế này lại diễn ra ngay ở những trường ĐH công lập lớn từng được mệnh danh là “sát thủ” với người học từ đầu vào đến đầu ra như Trường ĐH Bách khoa TP.HCM
Một lãnh đạo trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM đã nói rất thật về sự lo lắng của các trường ĐH lớn trước sự bùng nổ trong đào tạo bậc cao của các trường tốp dưới và xu hướng chọn sự dễ dàng của người học. Nhưng điều mà ông lo lắng hơn là một ngày chính các “nôi” đào tạo lớn này buộc phải “dễ dãi” hơn với chính mình để có được người học, cạnh tranh đầu vào với các trường kém chất lượng hơn mình. Việc này nếu diễn ra sẽ thật sự nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.