Gượng dậy sau lũ

Trong vòng nửa tháng, người dân miền Trung bị 2 cơn lũ liên tiếp nhấn họ chìm vào cảnh đã nghèo lại càng khó, nhưng sự chung tay của những tấm lòng hảo tâm đang giúp họ gượng dậy từ bộn bề gian khó.

Làm 3 năm, lũ nhấn một giờ
Đến hôm qua 5.11, sau một tuần lũ dâng trở lại, ở các xã Phương Mỹ, Phương Điền, Hòa Hải (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) lũ vẫn còn vây hàng ngàn hộ dân. Nước đang rút nhưng rất chậm. Người dân ở các xã này muốn đi ra ngoài đều phải dùng thuyền vì đường làng đang chìm nghỉm dưới nước. Dù đã quen với cảnh sống chung với , nhưng lũ sau chồng lên khi lũ trước vừa mới rút đã khiến người dân vô cùng mệt mỏi.

tin liên quan

Miền Trung lại bị mưa lũ chia cắt
Trong khi hậu quả trận mưa lũ ngày 14.10 còn chưa khắc phục xong, nhiều tỉnh miền Trung lại tiếp tục bị mưa lũ chia cắt, tàn phá.
Cụ Nguyễn Thị Phước (84 tuổi, ở thôn 8, xã Hòa Hải) sống một mình trong căn nhà cũ kỹ thở dài khi nhìn lớp bùn dày đặc từ ngoài sân vào trong nhà. Cụ nói nước đã rút nhưng cụ không còn sức để dọn dẹp nữa. “Tôi mới dọn bùn được vài bữa giờ lại tiếp tục, tuổi già, sức yếu nên không thể cố được nữa”, cụ Phước nói.
Sáng qua, nước rút, ông Mai Hồng Linh, Phó bí thư Chi bộ xóm 6, xã Hòa Hải cùng với 2 cán bộ thôn mệt mỏi ra lau dọn lại hội quán của thôn sau trận lũ. “Sau khi nước lũ rút đi, bùn non bám đầy trên bàn ghế, tường nhà nên anh em chúng tôi phải ra lau chùi lại. Hai đợt lũ liên tiếp đã làm bằng khen, giấy tờ của xóm bị ướt nhem trong bùn, nền nhà hội quán cũng bị sụt lún nghiêm trọng”, ông Linh thở dài. Bà Lê Thị Thêm (60 tuổi, ngụ xóm 3, xã Phương Mỹ) cho hay, sau khi đợt lũ trước vừa rút, gia đình bà ra đồng gieo 5 sào ngô vụ đông để cứu đói nhưng vừa trỉa hạt được đúng một ngày thì trận lũ khác lại nhấn chìm.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ, cho biết đợt lũ này người dân chủ yếu ăn mì tôm và gạo cứu trợ từ đợt trước. Nước rút chậm và kéo dài hơn 1 tuần qua khiến đồ cứu trợ cũng gần cạn kiệt, những ngày tiếp theo người dân lại đối mặt với khó khăn mới.
Hương Khê, Vũ Quang là 2 huyện miền núi của Hà Tĩnh. So với 5 năm trước, hệ thống giao thông đã tốt hơn rất nhiều khi đường làng đều đã được bê tông hóa. Thế nhưng, những ngôi làng nằm vắt ngang các triền núi ở đây vẫn còn xác xơ với những căn nhà ở cũ kỹ, xập xệ, chắp vá và có rất ít nhà xây theo kiểu hiện đại. Người dân ở vùng này sống nhờ rừng, nhưng rừng đã kiệt. Nông nghiệp chỉ đủ gạo ăn nếu mưa thuận gió hòa. “Làm ba năm, lũ nhấn một giờ, đợt lũ vừa rồi nước lên quá nhanh, lại lên ban đêm nên ít nhà trở tay kịp. Lúa, đồ đạc trong nhà không kịp di chuyển nên lũ làm hư hại hết”, bà Hoàng Thị Khương, ngụ xã Phương Mỹ, thở dài nói.
Người dân cần mưu sinh lâu dài
Nửa tháng qua, kể từ khi cơn lũ giữa tháng 10 nhấn chìm hơn 10.000 hộ dân ở 2 huyện miền núi Hương Khê và Vũ Quang, hàng trăm đoàn cứu trợ đã tìm về vùng quê nghèo khó để chia sẻ với người dân, giúp họ vượt qua hoạn nạn. Nhìn những đoàn xe cứu trợ nối hàng trên các con đường làng, người dân miền lũ này cảm thấy ấm lòng. Báo Thanh Niên đã thực hiện nhiều chuyến cứu trợ, cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm mang đến nhu yếu phẩm cho người dân vùng khó này, như gạo, tôn lợp nhà, tập vở quần áo cho học sinh, bò giống, tiền mặt…
Khi cùng PV Báo Thanh Niên đến những hộ dân ở các xã vùng lũ của H.Vũ Quang để trao bò và hỗ trợ tiền cho những gia đình nghèo, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng phòng Nhân sự Công ty CP Gemadept, không giấu được cảm xúc khi nhìn thấy cuộc sống nghèo khó, bất hạnh của những gia đình này và những món quà này càng thêm ý nghĩa vì nó đã đến đúng nơi cần đến. “Đây là chuyến đi rất nhiều cảm xúc đối với chúng tôi khi chứng kiến đồng bào đang phải sống trong cảnh éo le, bất hạnh. Vì vậy sự chia sẻ của chúng tôi càng thêm ý nghĩa”, ông nói. Cùng đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên mang 10 tấn gạo đến với người dân xã biên giới Hương Liên (H.Hương Khê), anh Hồ Hoàng Bảo Vinh, Giám đốc Công ty CP TM vận tải Á Đông (TP.HCM), cũng rất xúc động khi chứng kiến cuộc sống còn đầy khó khăn của người dân ở đây. “Đến đây, chúng tôi thấy sự sẻ chia để trợ giúp người nghèo vùng lũ này là rất cần thiết và có ý nghĩa”, anh Vinh nói.
Ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND H.Hương Khê, cho rằng người dân sau lũ thiếu thốn đủ thứ, mọi sự trợ giúp cho người dân đều rất quý. Tuy nhiên, để có kế mưu sinh lâu dài, sau lũ, hiện người dân ở đây đang thiếu cây giống, con giống như gà, lợn. Hai trận lũ đã cuốn hàng ngàn con lợn và hàng chục ngàn con gia cầm của dân. “Nếu có con giống, giống cây trồng hỗ trợ cho dân thì rất quý, còn nếu không, sự hỗ trợ bằng tiền mặt để người dân chủ động mua cũng rất tốt”, ông Huấn nói.
Hỗ trợ người dân bị thiệt hại nặng do lũ
Chiều qua (5.11), đoàn công tác của Công ty TNHH eSilicon VN và Báo Thanh Niên đã đến thăm, động viên và trao tiền hỗ trợ cho 122 hộ dân bị thiệt hại do mưa lũ tại xã Mỹ Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình, mỗi suất 500.000 đồng tiền mặt (ảnh).
Chia sẻ với đoàn cứu trợ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thủy Nguyễn Công Viên cho biết xã có hơn 900 hộ bị ngập lụt trên 1 m và ngập cả 2 đợt vừa qua nên thiệt hại lớn; đặc biệt là nhiều hồ nuôi cá, gia cầm bị cuốn trôi. Sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm sẽ giúp bà con khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Thay mặt đoàn, chị Nguyễn Anh Phương, đối tác chiến lược nhân sự Đà Nẵng của eSilicon, tâm sự: “Sau mưa lũ, công ty đã phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại. Đây là tấm lòng của hơn 300 cán bộ, công nhân viên của công ty, góp sức để bà con vượt lên khó khăn”.
Tin, ảnh: Trương Quang Nam

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.