Hộ nông dân muốn giàu phải có trên 3 ha đất

27/05/2017 07:25 GMT+7

Đó là nhận định của đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) đưa ra trong tham luận tại hội thảo “Tích tụ, tập trung đất đai vùng ĐBSCL trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa”, do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn tổ chức ngày 26.5, tại TP.Cần Thơ.

Theo ông Trịnh Công Minh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, bình quân diện tích đất nông nghiệp/hộ trong tỉnh này là 0,57 ha (bình quân ĐBSCL là 1,41 ha/hộ) và sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Điều này đã cản trở việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng đồng bộ về quy trình sản xuất, chủng loại sản phẩm... gây khó khăn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giảm sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp.
Tại An Giang, tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ nhất nhì ĐBSCL nhưng hiện có đến 75% hộ nông dân có diện tích canh tác lúa dưới 1 ha. “Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thì hộ chuyên lúa phải có ít nhất 2 ha thì mới vượt qua ngưỡng đói nghèo và cũng phải có ít nhất 3 ha thì mới đạt tới ngưỡng thu nhập trung bình ở nông thôn. Do đó, nông hộ nhỏ lẻ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa, vì muốn làm giàu họ phải có trên 3 ha đất canh tác”, đại diện GIZ nhận định.
Trong năm 2016, ĐBSCL đã triển khai được 250.000 ha diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn. Theo tính toán, mỗi héc ta lúa tham gia trong cánh đồng lớn, người nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất từ 5 - 10%, giá trị sản lượng tăng lên 20 - 25%, thu lợi nhuận thêm 2,2 - 7,5 triệu đồng.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đề xuất Bộ TN-MT tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi luật Đất đai theo hướng bỏ nội dung quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng đất mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.