Hoàng Sa, những câu chuyện không quên

19/02/2015 18:42 GMT+7

(TNO) Hoàng Sa, Tổ quốc nơi biển Đông những ngày tháng 5, 6.2014 có những câu chuyện khiến chúng tôi không bao giờ quên.

(TNO) Khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, từng tốp phóng viên Báo Thanh Niên nhanh chóng có mặt nơi điểm nóng. Hoàng Sa, Tổ quốc nơi biển Đông những ngày tháng 5, 6.2014 có những câu chuyện khiến chúng tôi không bao giờ quên.

Các phóng viên tác nghiệp ở Hoàng Sa thời điểm Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Á
1. Suýt chết
Tất nhiên đáng nhớ nhất là chuyện tàu cảnh sát biển (CSB) 2016 mà chúng tôi ở, bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm thủng vào đúng ngày 1.6.2014. Hôm đó đúng ngày Quốc tế thiếu nhi, lại rơi vào cuối tuần nên những anh em có gia đình tranh thủ nói chuyện về gia đình, vợ con ở bờ. Đột nhiên thuyền trưởng tàu 2016 Quản Đình Dương phát hiện một tàu đầu kéo Trung Quốc đang tấn công một tàu kiểm ngư của ta.
Thuyền trưởng Dương điều tàu vào sát để khi cần thiết trợ giúp. Ngay lúc đó tàu Trung Quốc 46105 tăng tốc lao về phía tàu CSB 2016. Nhận thấy sự nguy hiểm, tàu CSB 2016 tăng tốc lượn tránh. Với lợi thế vận tốc lớn, sau 5 phút đeo bám tàu 46105 áp sát húc bên mạn phải, mở súng phun nước bắn xối xả vào tàu 2016. Kết quả tàu 2016 bị thủng bốn lỗ lớn.
Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, chuyện tàu bé bị tàu lớn đâm là điều bình thường không có có gì phải đáng ngại. Trong nguy hiểm tích tắc ấy, tinh thần dũng cảm của người cảnh sát biển hiển hiện. Đa phần anh em trên tàu ở độ tuổi 20-30 nhưng dường như sự dũng cảm không thể so đo tuổi tác. Trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, anh em vẫn chấp hành lệnh của thuyền trưởng Dương để hạn chế tối đa thiệt hại về người và trang thiết bị.
Ngay cả khi tàu bị thủng, phải gia cố trong đêm nhưng những cảnh sát biển vẫn kiên cường. Khi tàu bị rượt đuổi, tôi nhớ nhất là hình ảnh thượng úy Nguyễn Quốc Huy, chính trị viên tàu 2016, dũng cảm, bất chấp hiểm nguy, đứng trên boong tàu, cầm máy quay để ghi lại những hành động hung hăng, điên cuồng phun nước, đâm va của tàu Trung Quốc.
Những hình ảnh này sau đó đã được phát trên truyền hình để tố cáo hành động phi nghĩa, sai trái của Trung Quốc khi đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam.
Xuồng chuyển người từ tàu này sang tàu khác - Ảnh: Nguyễn Á
2. Chuyển tàu
Nhớ những lần chuyển tàu, ai đã từng đi biển đều hiểu cảm giác nguy hiểm khi chuyển từ tàu này sang tàu khác.
Tàu đưa chúng tôi ra Hoàng Sa đã phải lòng vòng chừng hơn hai giờ mới chuyển được chúng tôi sang tàu khác. Lý do ở Hoàng Sa, khi phát hiện tàu của ta có dấu hiệu sát nhau, thể nào tàu Trung Quốc cũng sẽ áp sát kiếm chuyện. Cho nên đa phần cuộc chuyển tàu ở Hoàng Sa diễn ra trong đêm tối. Hai tàu phải đi ra xa khu vực giàn khoan để tàu Trung Quốc không phát hiện.
Ấn tượng nhất buổi tối các phóng viên Đài truyền hình VTV từ tàu khác nhập hội với bọn tôi ở tàu 2016. Lúc này khoảng 18 giờ chiều, anh em đang ăn cơm thì có lệnh nhận ba người của VTV từ tàu khác sang. Hai tàu ra dấu tiến gần lại nhau. Bên tàu kia, xuồng máy được thả xuống để chở phóng viên và máy móc sang. Tác nghiệp ở Hoàng Sa lần đó, khối lượng thiết bị của VTV nặng xấp xỉ 100 kg và để chuyển từ tàu xuống xuồng rồi đưa lên tàu không phải là dễ dàng. Tuy nhiên khi thiết bị và hai người đã chuyển sang xuồng, người thứ ba chuẩn bị xuống thì bỗng nhiên một tàu đầu kéo Trung Quốc lù lù đuổi sau lưng.
Tình thế này khiến những người ở tàu xuống không kịp, người ở dưới xuồng leo lên cũng không xong. Thế là chọn giải pháp cả tàu và xuồng tách ra. Điều này nguy hiểm vô cùng khi xuồng cao su chở nặng, rất dễ lật khi gặp sóng to. Trong lúc đó tàu 2016 có nhiệm vụ thu hút tàu đầu kéo để giải nguy cho đồng đội.
Đến gần 22 giờ đêm, ba phóng viên VTV mới lên được tàu 2016. Đến bây giờ chúng tôi vẫn thấy tiếc nuối vì không kịp ghi lại những hình ảnh rượt đuổi gay cấn để tặng các bạn phóng viên VTV làm kỷ niệm những ngày ở Hoàng Sa.
Sau này khi chuyển từ tàu 2016 sang tàu 4032, rồi sang tàu 8003, tàu 8001 để về bờ, trong đêm tối tôi thấy mình nhỏ bé như hạt cát giữa trùng khơi.
Tàu cá Trung Quốc (những tàu lớn bên trái) tấn công tàu cá Việt Nam - Ảnh: Trung Hiếu
3. Ngư dân Hoàng Sa
Chúng tôi, những người phóng viên luôn ở trong tình thế nguy hiểm nhưng cũng chỉ xấp xỉ chưa đầy 2 tháng. Thế nhưng, những ngư dân ở Hoàng Sa, họ từ đời này sang đời khác, những ngư dân Việt Nam dũng cảm.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á đã rất đúng khi nói rằng tới Hoàng Sa mà quên đi hình ảnh ngư dân là chưa trọn vẹn. Bởi hình ảnh ngư dân hằng ngày bám biển, đánh bắt cá ở Hoàng Sa mới là minh chứng hùng hồn nhất vùng biển này thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cho nên Nguyễn Á đã quyết tâm xin ra Hoàng Sa lần thứ hai để ghi lại đời thực của ngư dân dù trước đó trong lần thứ nhất anh đã có bộ ảnh rất đẹp về cảnh sát biển, kiểm ngư.
Những ngày đầu tháng 6.2014, khi nghe tin một tàu cá của ta bị tàu Trung Quốc đâm chìm, thiếu tá Hoàng Quốc Đạt, Hải trưởng Hải đội 201 (Vùng Cảnh sát biển 2), đã điều tàu 4032 đưa phóng viên đến ngư trường ở Hoàng Sa. Khi tàu 4032 tới thì có khoảng 20 tàu Việt Nam đang đánh cá ở đây. Tàu cá của ta khá nhỏ, làm bằng gỗ, trái ngược với tàu cá Trung Quốc to lớn làm bằng sắt cũng đánh bắt gần đó. Gần khu vực tàu cá Việt Nam có một tàu hải cảnh Trung Quốc đang quấy rối.
Thấy tàu 4032 tới, tàu hải cảnh dạt ra xa. Lúc này tưởng ngư trường sẽ yên ổn cho bà con đánh cá nhưng khoảng 20 phút sau, chừng 60 tàu Trung Quốc cả tàu cá và hải cảnh dàn hàng ngang xông vào quấy phá tàu cá của ta. Với lợi thế to lớn, làm bằng sắt, tàu cá Trung Quốc sẵn sàng đâm va. Chứng kiến cảnh này, cứ nghĩ tàu cá của ta sẽ bỏ chạy. Nhưng không, tàu cá của ta dù bé nhỏ nhưng rất dũng cảm, các ngư dân chỉ chủ động tránh đâm va chứ không rời bỏ ngư trường.
Với họ, ngư trường Hoàng Sa không chỉ là nơi mưu sinh hằng ngày mà quan trọng hơn đó là chủ quyền mà công sức của biết bao thế hệ đã gìn giữ cho con cháu đời sau.
Tàu cá Việt Nam tuy nhỏ nhưng ngư dân rất gan dạ, luôn sẵn sàng bám biển - Ảnh: Trung Hiếu
Từ đầu tháng 5.2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam, các PV Báo Thanh Niên: Mai Thanh Hải, Hoàng Sơn, Trung Hiếu, Nguyễn Độc Lập, Trương Quang Nam đã liên tục thay nhau, ròng rã có mặt ở Hoàng Sa để chuyển tải kịp thời các thông tin đến bạn đọc về quá trình xâm phạm và hành vi ngang ngược của các tàu Trung Quốc sẵn sàng đâm va, bắn vòi rồng tàu thực thi pháp luật Việt Nam; những tấm gương dũng cảm, quên mình của các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam. Ngoài ra, chương trình Chung tay góp sức bảo vệ biển Đông của Báo Thanh Niên được hàng ngàn bạn đọc hưởng ứng nhiệt tình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.