Kết quả “khám sức khỏe” tập đoàn, tổng công ty nhà nước

13/08/2009 11:23 GMT+7

(TNO) Sáng nay 13.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước.

Số liệu của Đoàn giám sát cho thấy, các TĐ, TCT làm ăn ngày càng hiệu quả. Số TĐ, TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao ngày càng tăng. Năm 2006 có 6 TCT lỗ, 5 TĐ và 18 TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn trên 15%. Đến năm 2008, số TCT hoạt động bị lỗ giảm xuống còn 3 đơn vị, có 3 TĐ và 32 TCT có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trên 15%.

Năm 2007, tổng số lỗ lũy kế của 24 TĐ và TCT lên tới trên 4.000 tỉ đồng. Đến năm 2008, lỗ lũy kế của các TĐ, TCT đã được cải thiện, 23 TCT lỗ lũy kế gần 2.800 tỉ đồng. Ủy viên UBTVQH, Trưởng đoàn giám sát Hà Văn Hiền nhận xét: “Vốn đầu tư của nhà nước vào các TĐ, TCT được bảo toàn và phát triển, đa số các TĐ, TCT hoạt động đều có lãi”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực tế đã chứng minh vai trò quan trọng của các TĐ, TCT trong nền kinh tế. Vì ngoài mục tiêu là kinh doanh để có lợi nhuận, các TĐ, TCT còn phải tham gia vào các lĩnh vực khác như đầu tư về vùng sâu vùng xa, đầu tư vào các lĩnh vực mà dân doanh không tham gia.

Ông Hiển cũng chỉ ra rằng, trên thực tế một số TĐ được thành lập, đơn giản chỉ là phép cộng chứ chưa đi sâu vào thực chất bên trong, chưa tạo ra được một sức mạnh để thay đổi trình độ quản lý. Ông Hiển nói tiếp: “Phải làm rõ xem bản chất của việc tăng trưởng của các TĐ, TCT. Tăng trưởng có phải xuất phát từ hiệu quả của sản xuất kinh doanh, hay là tăng trưởng được là do bán tài sản của nhà nước?”. Hai vấn đề khác cũng được ông Hiển đề nghị phải làm rõ là trong thời gian qua, các TĐ, TCT đã đầu tư, kinh doanh đúng hướng chưa, rồi các văn bản ban hành có liên quan tới các TĐ, TCT đã đảm bảo tuân thủ các quy định chưa, nếu tuân thủ rồi thì đã phù hợp hay chưa?

Phải chỉ rõ những sai phạm của các TĐ, TCT

Ủy viên UBTVQH Trần Thế Vượng cảnh báo, đừng để xảy ra tình trạng chúng ta giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật nhưng lại không biết người ta vi phạm pháp luật gì. Theo ông Vượng, một số TĐ, TCT sử dụng đất không đúng mục đích, dưới danh nghĩa là góp đất thành lập liên doanh nhưng thực chất là cho thuê đất. “Giám sát phải phát hiện ra, những trường hợp như thế là vi phạm quy định gì, gây ra hậu quả như thế nào?” - ông Vượng nhấn mạnh.

Ủy viên UBTVQH này nói tiếp: “Về đầu tư ra ngoài ngành thì phải xem xem trong giấy phép hoạt động của doanh nghiệp có ghi những lĩnh vực gì mà họ được phép kinh doanh, nếu không có mà anh vẫn làm thì không phải là xa rời mà là làm sai quy định”. Ông Vượng đặt vấn đề: “Mấy doanh nghiệp, lỗ năm sau cao hơn năm trước, đã thay thế lãnh đạo chưa, nếu không thay thì sẽ mất hết vốn. Nếu chưa thay thế thì vì sao?”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận băn khoăn về nhận định của Đoàn giám sát. Ông Thuận cật vấn: “Lâu nay khi báo cáo trước QH, Chính phủ đều nói hiệu quả sử dụng đồng vốn chưa cao, chỉ số ICOR chưa cao. Vậy chúng ta đánh giá như thế có phù hợp, đặt biệt trong mối quan hệ với các loại hình doanh nghiệp khác?”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai, để sử dụng đồng vốn có hiệu quả thì có ba yếu tố quan trọng là vốn, công nghệ và con người. Trong sản phẩm của doanh nghiệp phải tách bạch được xem tỷ lệ công nghệ chiếm bao nhiêu, vốn chiếm bao nhiêu và nhân lực chiếm bao nhiêu. Yếu tố công nghệ ngày càng phải chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu sản phẩm thì mới đạt hiệu quả tốt. “Muốn giữ được vai trò là nòng cốt của nền kinh tế thì các TĐ, TCT phải trở thành người đi đầu trong việc thay đổi cơ cấu này” - bà Mai nói.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.