Khó xử lý hậu quả tại dự án khu đô thị Đa Phước ?

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
12/10/2020 05:38 GMT+7

Người dân bức xúc, không chịu đi; chính quyền liên tục kêu khó, việc thực hiện phán quyết tòa án về thu hồi các dự án tại khu đô thị Đa Phước ( Đà Nẵng ) xem ra còn là câu chuyện dài phía trước.

“Sống chui” trong chính nhà mình

Ngày 10.10, đại diện cho gần 200 hộ dân đang sinh sống tại khu đô thị (KĐT) Đa Phước cho biết vừa có đơn gửi Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 158/2020/HS-PT ngày 12.5.2020 của TAND cấp cao tại Hà Nội về việc “thu hồi khu đất 29 ha thuộc dự án KĐT Đa Phước”.
Trong đơn, đại diện các hộ dân cho hay, nếu thu hồi, vấn đề quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất an ninh, bất an cho người dân… Cũng theo đơn, toàn bộ cư dân mua nhà đều có hợp đồng mua bán nhà với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV phát triển nhà Đa Phước (Công ty Đa Phước) nên “việc mua bán này là ngay tình và hợp pháp”.
Ông Trương Văn Sang (60 tuổi, trú tại KĐT Đa Phước) cho hay, tháng 6.2018, ông bán nhà trên đường Đỗ Quang (Đà Nẵng) với giá trị hơn 5 tỉ đồng để mua nhà tại KĐT này (giá khoảng 6 tỉ đồng) với mong muốn cả gia đình gồm 4 thế hệ (7 người) được an cư. “Hay tin dự án bị thu hồi, gia đình chúng tôi hết sức hoang mang. Nếu thu hồi nhà, gia đình chúng tôi sẽ ở đâu. Theo bản án đã tuyên, trong đó có việc phải đảm bảo quyền lợi khách hàng, chúng tôi đề nghị cần xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm bỏ câu “thu hồi dự án” để đảm bảo quyền lợi mua nhà hợp pháp của chúng tôi...”, ông Sang nói.
Cũng theo ông Sang, tại KĐT Đa Phước, những gia đình đã “sống chui” trong chính căn nhà của mình đã 4 năm qua, do chính quyền địa phương chưa thể thành lập tổ dân phố. Việc đăng ký tạm trú cũng không thể thực hiện nên người dân “tự quản” và tự đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực.
Theo phản ánh của các hộ dân, khi họ mua nhà, chủ đầu tư đã công bố rộng rãi các khu đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Giấy chứng nhận này đã được các bên chuyển từ Công ty CP xây dựng 79 sang Công ty Đa Phước. Các hộ dân cho rằng, họ là bên thứ 3 ngay tình và phải được bảo vệ quyền lợi. Cũng theo các hộ dân này, tòa án yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng thu hồi dự án, nhưng lại yêu cầu phải đảm bảo quyền lợi của người dân theo đúng quy định của pháp luật, là 2 yêu cầu mâu thuẫn nhau.
“Khi thực hiện phán quyết, toàn bộ QSDĐ của Công ty Đa Phước và của người dân sẽ bị tước bỏ và giao trở lại cho nhà nước. Quyền lợi của người dân đang sống trong khu dự án có đảm bảo theo tôn chỉ của bản án phúc thẩm đã nêu không?”, đại diện cư dân KĐT Đa Phước băn khoăn.
Khó xử lý hậu quả tại dự án khu đô thị Đa Phước ?

Tiếp tục ra tòa giải quyết tranh chấp ?

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, nhìn nhận việc thu hồi dự án KĐT Đa Phước phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng “là rất khó và mâu thuẫn với nhau”. “Về chủ quan, chúng tôi cho rằng mặc dù bản án tuyên thu hồi, nhưng thực trạng dân đã vào ở thì không thể thu hồi nhà ở của dân. Việc thu hồi đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, theo tôi được hiểu là người mua bên thứ 3 ngay tình sẽ được đảm bảo quyền lợi. Về nội dung này, trong đợt Thủ tướng làm việc với Đà Nẵng và các tỉnh, TP.Đà Nẵng đã có kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo, có ý kiến với các bộ, ngành T.Ư tạo điều kiện cho Đà Nẵng tháo gỡ vấn đề này…”, ông Vinh nói.
Liên quan đến dự án 181 ha (cũng thuộc KĐT Đa Phước), ông Nguyễn Quang Vinh cho hay, hiện nay UBND TP.Đà Nẵng đã có kế hoạch triển khai thu hồi dự án này theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, trong đó có việc đảm bảo đúng quy định của pháp luật về quyền lợi của cư dân đã mua, đặt chỗ, đặt cọc, góp vốn với chủ đầu tư với khoảng trên dưới 1.000 hộ dân. Theo ông Vinh, UBND TP.Đà Nẵng vừa họp và thống nhất với các ngành về việc thực hiện theo kết luận. Hiện các ngành của TP theo chức năng nhiệm vụ đang rà soát từng nội dung cụ thể và sẽ có báo cáo đề xuất các bộ, ngành trong quá trình triển khai thực hiện.
Như Thanh Niên đã thông tin, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra (KLTT) việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại dự án KĐT quốc tế Đa Phước.
Theo KLTT, năm 2005, UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 KĐT - sân golf Đa Phước. Sau nhiều lần điều chỉnh, khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước triển khai 2 dự án, gồm: dự án KĐT Đa Phước, diện tích 181 ha (gọi tắt là dự án 181 ha) ban đầu giao cho Công ty Daewon Cantavil làm chủ đầu tư, nhưng sau đó chuyển nhượng lại toàn bộ cổ phần cho các doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và đổi tên thành Công ty TNHH The Sunrise Bay; dự án còn lại là khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình được xây dựng trên diện tích 29 ha (gọi tắt là dự án 29 ha) do Công ty TNHH phát triển nhà Đa Phước (Công ty Đa Phước), cũng là doanh nghiệp của Vũ “nhôm” góp vốn thực hiện.
Theo KLTT, UBND TP.Đà Nẵng và các ban ngành ký thỏa thuận với Công ty Daewon Cantavil thời điểm 2006 có một số nội dung không đúng quy định của pháp luật, như: xác định tiền thuê đất và mặt nước (dự án 181 ha chỉ phải nộp 10 triệu USD trong 50 năm cho 145 ha đất) không có cơ sở, cùng các vi phạm quy định về đất đai. Cả 2 dự án trên đều lấn biển nhưng chủ đầu tư không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Thanh tra Chính phủ đã chuyển những thông tin, tài liệu sai phạm tại 2 dự án này đến Bộ Công an để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm. Đồng thời, thực hiện các thủ tục, quy trình thu hồi dự án 181 ha đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Dự án 29 ha cũng được tòa án tuyên thu hồi.
Trả lời về việc đảm bảo quyền lợi đối với những người tham gia góp vốn, đặt chỗ tại dự án 181 ha KĐT Đa Phước, theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng), nếu người mua nhà dự án bị thiệt hại, thì họ cần trực tiếp yêu cầu các đơn vị làm sai, có lỗi trả lại tiền hoặc yêu cầu phải bồi thường các thiệt hại phát sinh cho họ. Qua thương lượng, đàm phán, nếu không được, thì phải giải quyết bằng tòa án hoặc thủ tục trọng tài nếu các bên có thỏa thuận. Còn đối với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết các tranh chấp họ có thể hướng dẫn các bên thực hiện thủ tục khởi kiện hoặc giải quyết tranh chấp phù hợp. Về trách nhiệm quản lý, nếu các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng, tiếp tay cho sai phạm, góp phần tạo ra sai phạm, thì cần thực hiện xử lý theo kết luận của thanh tra hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác.
Đối với cả 2 dự án trên tại KĐT Đa Phước, luật sư Lê Cao cho biết thêm, trong trường hợp đến nay, bản án hình sự liên quan đã được tòa tuyên và có hiệu lực, nên nếu muốn yêu cầu thì phải khởi kiện vụ án độc lập. Tòa án sẽ đánh giá và xem xét để kết luận các giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà đất này vô hiệu hay không. Từ đó có thể buộc các doanh nghiệp đã huy động vốn phải trả lại tiền cho người mua, bồi thường các thiệt hại phát sinh nếu doanh nghiệp có lỗi dẫn đến các thiệt hại.
“Về nguyên tắc người dân có quyền khởi kiện vụ án để không những yêu cầu doanh nghiệp hoàn trả các khoản tiền đã huy động của họ, mà có thể khởi kiện để yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền để xảy ra sai phạm, dẫn đến các thiệt hại phải bồi thường”, luật sư Lê Cao nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.