Khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
19/07/2020 06:54 GMT+7

Ngày 18.7, hội nghị Thủ tướng làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây nguyên đã diễn ra ở Đà Nẵng .

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn giảm so với cùng kỳ là Đà Nẵng giảm 3,61%, Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước, lần lượt là giảm 11,51% và 12,02%. Đối với Tây nguyên, tăng trưởng GRDP 6 tháng đạt 2,72%, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%).

Địa phương kêu khó về... tâm lý cán bộ

Tại hội nghị, các tỉnh, TP đưa ra 102 kiến nghị, bao gồm nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách (35 kiến nghị); nhóm kiến nghị liên quan đến công tác quy hoạch (15 kiến nghị), nhóm kiến nghị liên quan đến các chương trình, dự án đầu tư (39 kiến nghị); nhóm kiến nghị về thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động nước ngoài (3 kiến nghị); các kiến nghị khác (10 kiến nghị).

Thủ tướng lập 7 đoàn công tác thúc đẩy sản xuất, đầu tư công

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, đoàn công tác số 1 do Thủ tướng làm trưởng đoàn, kiểm tra các địa phương: TP.HCM, Đồng Nai; một số địa phương vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, vùng Tây nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đoàn công tác số 2 do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình làm trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng đồng bằng sông Hồng. Đoàn số 3 do Phó thủ tướng Phạm Bình Minh làm trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương vùng trung du và miền núi phía bắc. Đoàn số 4 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn, kiểm tra Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT và một số địa phương vùng bắc Trung bộ, vùng Đông Nam bộ. Đoàn số 5 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng đoàn, kiểm tra Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT. Hai đoàn số 6 và số 7 do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT và Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn, kiểm tra một số địa phương còn lại.
Nội dung làm việc chính của các đoàn công tác là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc và các vấn đề phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020. Thời gian kiểm tra từ 18.7 - 31.8. Thủ tướng yêu cầu các đoàn công tác có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể (nếu có), gửi Thủ tướng trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với từng địa phương, bộ, cơ quan.
Chí Hiếu
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh kiến nghị cần có cơ chế động viên cán bộ yên tâm làm việc vì công việc chung. “Trước tình hình khó khăn này, cán bộ rất muốn làm mạnh, bứt phá nhưng mà làm không khéo thì một ngày đẹp trời nào đó lại bị kỷ luật, cũng rất tội cho anh em. Cho nên, tôi mong có một cơ chế nào đó để động viên anh em yên tâm làm việc, vì công việc chung, vì trong sáng thì cứ mạnh dạn làm”, ông Thanh nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cũng cho hay địa phương vừa phải tập trung khắc phục ảnh hưởng đại dịch Covid-19, vừa phải kiểm tra, thanh tra, kiểm điểm, kỷ luật đội ngũ cán bộ chủ chốt theo kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm tra của T.Ư, Chính phủ. Theo ông Tuân, người đứng đầu một số sở, ngành đang trong quá trình kiểm điểm, xem xét kỷ luật tạo ra tâm lý rất nặng nề.
Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó chủ tịch thường trực điều hành UBND tỉnh Quảng Ngãi, cũng cho rằng sự việc 2 lãnh đạo tỉnh bị kỷ luật (Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ và Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng - PV) ảnh hưởng rất lớn đến khí thế làm việc của cán bộ tỉnh...

“Không oan sai đâu”

Phát biểu tại hội nghị, sau khi ghi nhận những nỗ lực của các tỉnh, TP trong phát triển KT-XH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo các địa phương bên cạnh lo tổ chức Đại hội Đảng thì cũng phải lo cho phát triển, cho đời sống của người dân. Đặc biệt, cần tập trung tháo gỡ những rào cản, tập trung mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút làn sóng chuyển dịch đầu tư…
Khẳng định T.Ư bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, thúc đẩy mở rộng thị trường, sửa kịp thời, nghiêm túc, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật..., Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ trưởng tập trung xử lý kiến nghị của địa phương, không được để tình trạng “đi thăm địa phương thì có nhưng làm việc trực tiếp, xử lý tồn tại thì ít”, đặc biệt là “đừng để các tỉnh miền Trung - Tây nguyên phải chạy xin chỗ này, chỗ khác”...
Liên quan đến các ý kiến về tâm lý cán bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Vừa qua những vụ việc có oan sai không? Không oan sai đâu. Nhưng tôi cho rằng mức độ giải quyết còn nhiều vấn đề khác nhau… Chúng ta phải xem xét, đừng lấy chuyện sai của những đồng chí cũ làm mất đi ý chí chiến đấu của chúng ta. Chúng ta phải giải quyết làm sao cho chặt chẽ vấn đề này”.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khuyến khích những cán bộ, những địa phương dám nghĩ dám làm, sáng tạo. Sắp tới đây, Bộ Chính trị ban hành quy định bảo vệ những người, những tổ chức vì việc nước sáng tạo, đổi mới. Nhưng trước hết chúng ta phải dám làm, thử thách bản lĩnh, trình độ của chúng ta trong triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.