Làm bè cho bà con vùng lũ

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
01/11/2020 06:36 GMT+7

Trận lũ cao hơn tất cả đỉnh lũ xảy ra trong lịch sử đã nhấn chìm 100.000 ngôi nhà ở Quảng Bình .

Chưa bao giờ có một lực lượng cứu hộ, cứu trợ tập trung đông như thế ở đây, cho thấy tấm lòng của đồng bào đối với bà con trong cơn hoạn nạn là vô bờ bến. Từ đó đặt ra rất nhiều vấn đề khiến chúng ta phải cùng suy nghĩ.

Xót ruột những tiếng kêu cứu trong cơn hồng thủy chưa từng thấy ở Quảng Bình

Đóng bối trong mùa lũ lụt

Các xã của huyện Lệ Thủy đa phần là vùng đồng chiêm trũng. Hầu như năm nào cũng bị ngập. Người Lệ Thủy gọi là lụt. (Lụt là nước từ từ dâng lên, lũ là quét qua).
Từ xưa, làm nhà thường có một cái tra. Tra là ván gác qua xà nhà, bình thường là nơi để thóc, khi có lụt thì mang cả bếp núc lên đó. Ngủ một bên, nấu nướng một bên.
Mỗi khi vào mùa mưa, nhìn trời, người dân biết sắp lụt. Họ ra chặt cây chuối sứ (chuối hột) đóng lại thành bè, gọi là bối.
Bây giờ dân cư đông đúc, đất vườn còn rất ít, đa số lại bị bê tông hóa, chuối sứ không mang lại hiệu quả kinh tế nên ít người trồng. Không có chuối mà đóng bối.
Đêm 18.10 qua, nước dâng cao đến tận tra, nhiều nhà phải dỡ ngói chui lên nóc nhà kêu cứu. Tiếng kêu vang động xóm làng. Nhưng phương tiện di chuyển dân lại rất thiếu.
Tôi là người làng Lộc An, xã An Thủy (H.Lệ Thủy), một làng thấp trong số rất nhiều làng thấp, ngồi ở Đà Nẵng nghe người thân kêu cứu qua điện thoại mà lòng như lửa đốt.
Làm bè cho bà con vùng lũ

Đưa bè về các thôn

Phải dùng xuồng phao tiền tỉ cứu trợ ở 2 thôn “nội bất xuất ngoại bất nhập”

Hai ngày cho một ý tưởng biến thành hiện thực

Bất ngờ thấy trên trang cá nhân của Lê Hoàng Minh đưa ra ý tưởng đóng thuyền Kayak bằng ống nhựa PVC (Minh chơi trong CLB Kayak Đà Nẵng), tôi lập tức liên lạc vì thấy từ ý tưởng này có thể phát triển thành bè đi trong lụt. Nó khá giống chiếc bối quê tôi đã làm, chỉ khác về vật liệu.
Thế rồi nhóm của Minh và tôi bàn bạc đưa ra rất nhiều phương án. Nếu làm 2 ống nhựa PVC đường kính 400 mm thì rất tốt nhưng giá thành cao, ống này lại khá hiếm. Anh em bàn dùng nhiều ống nhỏ để khi ống này va đập bị vỡ còn có ống kia, thấy rất có lý. Làm thử. Nhưng khi hạ thủy thì nó... nổi lờ đờ.
Chuyển sang nhiều ống đường kính 110 mm, có nổi hơn chút nhưng tải trọng rất thấp. Bèn chuyển sang ống 200 mm.
Anh em sốt ruột, làm xong mang ra thử trong đêm. Rất tốt. Chỉ bị anh Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng), phê bình cho một trận vì thử trong đêm, nước sông Hàn chảy mạnh, rất nguy hiểm.
Sáng hôm sau mang ra thử lại, 3 người có thể đứng sang một phía nhún nhưng bè vẫn không sao. Sức chứa của nó có thể lên 6 người vẫn tốt.
Thử xong, chúng tôi đưa lên mạng xã hội, nhiều người vào góp ý vì sao không dùng 6 ống mà lại dùng 4, vì sao không làm cùm sắt để liên kết các ống mà phải dùng dây cước, vì sao không gắn thêm động cơ...
Thực ra, chúng tôi đã trao đổi rất kỹ và có bàn đến, nhưng thời gian rất gấp lại chưa có tiền trong tay nên phải làm sao để tính toán chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất. Đó là phương án tối ưu mà chúng tôi lựa chọn.
Quyết làm.
Hai ngày sau kể từ khi có ý tưởng, lô bè 10 chiếc đã hoàn thành.
Vận chuyển chúng ra Quảng Bình cũng là một vấn đề: kinh phí. May thay, anh Phạm Thục nhắn tin là anh giúp một chuyến xe, anh đi cùng.
Chiều 20.10, khi các thôn Lộc An, Thạch Bàn, Phú Thọ, Tân Lệ của xã An Thủy đang ngập nước thì chúng tôi cũng đã chở bè đến nơi.
Làm bè cho bà con vùng lũ

Bè trên sông

Niềm vui

Vui nhất là được bà con vùng lũ khen. Bè đẹp, tải trọng tốt và không bị lật. Anh Nguyễn Thanh Xuất, Bí thư Đảng ủy và anh Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng thôn Lộc An, nức nở: “Thông minh, quá thông minh!”.
Thực ra, làm bè bằng ống nhựa PVC không phải là ý tưởng mới mẻ gì. Sau này tìm hiểu mới biết nhiều đơn vị đã làm. Có điều nó dài, rộng và không phù hợp với thực tế, kinh phí lại cao.
Có động lực, lại được UBND quận Sơn Trà (Đà Nẵng) hỗ trợ thêm tiền để làm 10 chiếc, Trường Đại học Đông Á góp 50 triệu, anh Võ Danh Hải trích từ kinh phí do Làng Võ VN ủng hộ 20 triệu đồng, nhiều anh em bạn bè đóng góp từ 200.000 đến 13 triệu đồng.
10 chiếc làm sau đó cũng đã được chở ra.
Tôi đưa thuyền ra H.Lệ Thủy và ở lại luôn vì nghĩ đóng bè từ Đà Nẵng chở ra lâu và tốn kinh phí vận chuyển hơn là đóng tại chỗ. Chúng tôi mua vật tư, thuê thợ, chỉ dẫn cho họ làm tại chỗ.
Lệ Thủy là vùng đông dân cư, đường làng ngõ xóm hẹp, nhà nào cũng có tường bao quanh nên chiều dài bè cũng phải tính toán sao cho dễ xoay xở (chúng tôi mua ống nhựa dài 4 m, cắt phần nối ống, còn 3,7 m, bè rộng 1,4 m). Mục đích của bè là di chuyển bà con đến nhà cao hơn trong thôn và chở hàng hóa tiếp tế nên không cần thiết phải gắn máy. Gắn máy đi sẽ vướng dây điện, cây cối, chân vịt lại dễ va vào bờ tường. Sau này có điều kiện thì mỗi thôn có một, hai chiếc gắn máy là được. Hơn nữa với kinh phí này bà con dễ nhân rộng.
Làm bè cho bà con vùng lũ

Bè làm từ Đà Nẵng chuyển ra

Ảnh: N.T.T

Trí tuệ người dân thật tuyệt vời !

Một bạn đọc biết chuyện đã gửi cho chúng tôi một bức ảnh của bà con thôn Trầm Mé, xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch (khu vực Phong Nha), họ đã làm một chiếc bè dùng từ lâu và rất thông minh. Bè được làm với 6 ống đường kính 200 mm nhưng hai ống giữa chứa nước ngọt. Nước trong ống vừa để dùng nấu ăn, nấu uống trong lũ lụt vừa giữ cân bằng cho cái bè vừa êm vừa không bị lật. Bè còn gắn tay chèo, có sào chống, đặc biệt lại còn có khoang chứa đồ.
Cả nhóm chúng tôi thán phục, đó mới là đỉnh của đỉnh.
Nhân đây nói luôn, vì sao dân làm bè, nhóm chúng tôi làm bè mà không mua thuyền cho nhanh?
Là vì, khi lũ lên, nước rất “hỗn”, gió lại mạnh, sóng to, thuyền rất dễ lật. Thuyền lật rất nguy hiểm. Còn bè không lật, giả sử có lật thì nó vẫn nổi lên còn có cái mà bám. Người già và trẻ em ngồi trên bè cảm giác vững, không bị chồng chềnh nên không luống cuống, sợ hãi như là ngồi trên thuyền. Còn thuyền hơi cũng tốt nhưng tốc độ chậm vì hay bị sóng nước cản làm chùn lại, giá thành loại tốt lại cao và khó nhân rộng.

Đơn giản nhưng hiệu quả

Trong bão lũ, giúp được cái gì cho dân thì giúp, mỗi người một tay.
Nhóm chúng tôi làm bè nhưng các nhóm khác lại làm việc khác.
Từ thực tế lũ lụt, chúng tôi nảy ra ý tưởng, sắp đến sẽ đặt làm và trang bị cho dân mỗi nhà một số bao ni lông loại lớn, bền. Khi có lũ lụt, họ xếp áo quần, chăn màn, lương thực, thực phẩm, nước uống... vào đó rồi buộc kín lại, dùng dây buộc lỏng vào cột nhà, xà nhà... Khi nước lên thì các bao nổi lên theo, có cái mà dùng. Bao đựng nước có thể chìm nhưng kéo lên được.
Loại bao lớn hơn có thể cho tủ lạnh, máy giặt, ti vi, máy tính... vào mà vẫn an toàn.
Việc này để một nhóm làm thì khó, nhưng nhiều nhóm, hoặc mỗi người trong làng xã, nhất là những người làm ăn nơi xa có điều kiện, giúp cho vài nhà, vài chục nhà, thì chuyện có thể làm được.
Đôi khi những cái đơn giản thế lại rất hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.