Làm “chui” cho tàu cá Trung Quốc

18/05/2013 01:02 GMT+7

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại các huyện ven biển của Thanh Hóa như Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, thị xã Sầm Sơn có khoảng 2.000 lao động đi làm thuê cho Trung Quốc .

Làm “chui” cho tàu cá Trung Quốc

Nhiều ngư dân Thanh Hóa đã bị dụ dỗ đi làm “chui” - Ảnh: N.M

Hầu hết số người này đều là những lao động bất hợp pháp, không khai báo tạm vắng với chính quyền địa phương. Những người từng làm thuê từ Trung Quốc trở về địa phương cho biết họ bị một số đối tượng môi giới lôi kéo với lời hứa được làm những công việc nhẹ nhàng, hợp pháp với thu nhập cao và ổn định. Nhưng thực tế, họ bị ép buộc làm những công việc nặng nhọc như lao động trong các hầm mỏ hoặc tại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, tái chế nhựa thủ công hết sức độc hại.

Nguy hiểm vì làm “chui”

 

Từ một vài năm nay, nhiều người dân địa phương đã lén lút sang Trung Quốc làm thuê, nhưng chúng tôi không có cách gì ngăn chặn được. Hiện trên địa bàn có tới hơn chục tàu cá không thể ra khơi đánh bắt vì không có lao động

Ông Trần Xuân Lờ, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Nham, H.Quảng Xương

Trong số 2.000 lao động Thanh Hóa sang Trung Quốc có tới 162 ngư dân đang lao động bất hợp pháp cho các tàu cá hoạt động chủ yếu trong vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc trên vịnh Bắc bộ. Chính những ngư dân này sau một thời gian quen việc đã liên lạc, lôi kéo thêm các ngư dân ở quê trốn sang Trung Quốc làm ăn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do thời gian gần đây giá xăng dầu tăng khiến chi phí cho mỗi chuyến đi biển của các tàu cá bị đội lên cao, nhiều tàu cá không ra khơi dẫn tới ngư dân thiếu việc làm. Thêm vào đó, do tiền công khi đánh bắt cho tàu cá ở địa phương được trả quá thấp (khoảng từ 1,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng), trong khi đó phía tàu Trung Quốc trả công cao, ổn định (từ 8 đến 10 triệu đồng/người/tháng), không phụ thuộc vào sản lượng khai thác nhiều hay ít, nên nhiều ngư dân đã bị lôi kéo bỏ tàu cá ở địa phương sang làm việc cho các tàu cá Trung Quốc.

Năm 2012 đã từng có 73 ngư dân (H.Hậu Lộc 44 người, thị xã Sầm Sơn 29 người) bị phía Trung Quốc bắt khi đang làm việc bất hợp pháp trên các tàu cá. Sau khi truy xét lý lịch, quê quán, lăn tay, chụp ảnh và xét nghiệm máu, các ngư dân còn bị tịch thu toàn bộ tài sản rồi mới được thả để tự tìm đường về mà không bàn giao cho các cơ quan chức năng của Việt Nam. Cũng trong năm 2012, tại xã Ngư Lộc, H.Hậu Lộc có 3 ngư dân đi làm thuê cho tàu cá Trung Quốc bị mất tích do tàu chìm. Cả 3 gia đình ngư dân này sau đó được chủ tàu Trung Quốc đền bù mức 20 triệu đồng/người chết.

Cần nhiều biện pháp ngăn chặn

Là địa phương có tới 579 lao động đi làm thuê bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng chính quyền xã Quảng Nham, H.Quảng Xương vẫn chưa có hướng xử lý. “Từ một vài năm nay, nhiều người dân địa phương đã lén lút sang Trung Quốc làm thuê, nhưng chúng tôi không có cách gì ngăn chặn được. Hiện trên địa bàn có tới hơn chục tàu cá không thể ra khơi đánh bắt vì không có lao động”, ông Trần Xuân Lờ, Phó chủ tịch UBND xã phân trần.

 

Bị lừa lao động bất hợp pháp

Vào đầu tháng 4 vừa qua, Công an H.Quảng Xương đã bắt giữ 2 đối tượng là Nguyễn Thị Tuyết (43 tuổi) và Đỗ Văn Sáu (44 tuổi), cùng ngụ tại H.Quảng Xương vì đã có hành vi lôi kéo, tổ chức đưa gần 60 người sang Trung Quốc trái phép. Trước khi đi, tất cả số lao động trên đều phải nộp cho Tuyết và Sáu 5 triệu đồng/người làm lộ phí, với lời hứa sẽ được bố trí công việc ổn định, hợp pháp thu nhập cao. Chỉ đến khi Tuyết và Sáu bị bắt giữ thì số lao động trên mới biết mình bị lừa đi lao động bất hợp pháp.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Anh Dũng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, nhìn nhận việc ngư dân rời quê đi làm chui cho các tàu cá Trung Quốc đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Sở NN-PTNT vừa tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động, đánh bắt hải sản trên các vùng biển của Việt Nam và vùng biển quốc tế để ngư dân biết, không vi phạm. Từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong ngư dân, nhất là nội dung thực hiện Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc.

Đặc biệt, UBND tỉnh giao cho các xã phường ven biển nhanh chóng phối hợp đơn vị liên quan yêu cầu các chủ tàu cá xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trên biển theo định mức hiện hành của nhà nước làm cơ sở để trả tiền công tương xứng với kết quả của người lao động đặc thù trên biển cho các ngư dân, hạn chế thiệt thòi cho các lao động làm thuê trên các tàu cá ở địa phương.

Cơ quan chức năng phải tìm ra các đầu mối chuyên môi giới, dụ dỗ đưa ngư dân đi làm chui trên các tàu cá Trung Quốc để xử lý nghiêm trước pháp luật. 

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.