Làm sai, gây thiệt hại, công chức phải bỏ tiền túi ra đền

11/03/2009 11:21 GMT+7

(TNO) Hôm nay 11.3, Hội nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 3, với việc thảo luận về dự thảo Luật Bồi thường Nhà nước.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tán thành với dự luật do Chính phủ trình. Theo đó, quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong ba lĩnh vực là quản lý hành chính, thi hành án và tố tụng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính hiện nay rất phức tạp, trong khi đó quy định của dự thảo Luật còn chung chung, không rõ khi nào phát sinh trách nhiệm bồi thường, cơ chế nào để giải quyết bồi thường nên khó khả thi.

Xung quanh quy định về phạm vi được bồi thường vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Điều 16 của dự thảo Luật trình Quốc hội quy định chỉ có 11 trường hợp được Nhà nước bồi thường trong lĩnh vực quản lý hành chính. Nhưng UBTVQH lại cho rằng: “Không thể giới hạn các trường hợp được bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, nếu giới hạn sẽ không phù hợp với Hiến pháp, không đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và không thống nhất với các quy định của pháp luật hiện hành”.

Do chưa thống nhất, UBTVQH đã chỉnh sửa dự luật, đưa ra hai phương án. Phương án một: Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra nếu ra quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính trái pháp luật; không cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép và các giấy tờ có giá trị như giấy phép, văn bằng bảo hộ. Với quy định này, nhà nước sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người dân khi cán bộ công chức thực hiện hoạt động hoặc không thực hiện hoạt động dẫn đến gây thiệt hại. Phương án hai: Nhà nước chỉ có trách nhiệm bồi thường trong 11 trường hợp được liệt kê trong luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng tán đồng với quy định là chỉ bồi thường đối với 11 trường hợp đã liệt kê. Ông Tụng cho rằng, liệt kê ra để thuận lợi cho việc thực hiện và cũng là cảnh báo, phòng ngừa cho cán bộ công chức phải rất thận trọng khi thi hành công vụ. Còn nếu không liệt kê thì có thể xảy ra tình trạng dè dặt khi thi hành công vụ vì sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị ủng hộ phương án 1 đồng thời đề nghị phải có lộ trình, tùy vào điều kiện thực tế của đất nước.

Về mức bồi thường, UBTVQH cho biết: “Nguyên tắc bồi thường của pháp luật dân sự thì thiệt hại đến đâu phải bồi thường đến đó”. Vì thế, cơ quan này đề nghị: “Chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cả về vật chất và tổn thất về tinh thần; tuy nhiên mức bồi thường cụ thể thì phải tính đến nhiều yếu tố, bảo đảm có lý, có tình và tính khả thi của luật”.

UBTVQH cũng đã chỉnh sửa dự luật theo hướng người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả một phần khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho các cá nhân. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại trong tố tụng hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.