Lăng kính bạn đọc: Hoang mang với ô nhiễm không khí

Kim Lan
Kim Lan
27/09/2019 05:00 GMT+7

Thông tin 'sương mù' ở TP.HCM những ngày qua không phải do tro bụi từ các đám cháy rừng ở khu vực đảo Sumatra và Kalimanta (Indonesia) bay sang, mà do không khí ô nhiễm, đã khiến nhiều bạn đọc lo lắng.

Như Thanh Niên thông tin, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, cho biết những ngày qua trên địa bàn TP xuất hiện hiện tượng sương mù quang hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đây là hiện tượng thời tiết bất lợi, thường xuất hiện ở TP.HCM vào tháng cuối mùa mưa (tháng 9, 10) và thời điểm giao mùa đông xuân (tháng 1, 2).
Cũng theo Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường, các thông số bụi mịn, siêu mịn ở TP những ngày qua vượt chuẩn nhiều lần và cháy rừng tại Indonesia không phải là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng trên.

Đủ nguồn gây ô nhiễm

Nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên đã “cảm ơn ông Sơn” về thông tin trên. Một BĐ TP.HCM viết: “Dù sao cũng cảm ơn ông Sơn đã thông tin không đổ thừa hiện tượng giăng mù là do cháy rừng Indonesia, mà do nội tại phát sinh từ chính chúng ta gây ô nhiễm”. BĐ Lê Duy Khánh (TP.HCM) chỉ ra những “nguyên nhân” có thể thấy bằng mắt thường: “Hãy đi dọc những tuyến đường giáp ranh với các quận nội thành bằng xe máy, các vị sẽ thấy lòng đường, lề đường đầy cát bụi. Có những đoạn đang nâng đường chẳng hạn, mà không ai thèm tưới một giọt nước khi thi công cả. Bụi cuồn cuộn cả ngày lẫn đêm. Thử hỏi như vậy thì sao lại ngạc nhiên khi không biết bụi mịn ở đâu ra?”.
Trong phần lý giải về lớp sương mù ô nhiễm, ông Sơn cũng đề cập đến nguyên nhân do các khí ô nhiễm phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân… không phát tán được lên cao khiến cho lớp mù này càng dày đặc, lâu tan. Một BĐ ở Tiền Giang thông tin không chỉ ở TP.HCM mà “tôi đi ngoài đường mấy ngày nay cảm thấy cả ở Tiền Giang cũng vậy, cả các khu vực nông thôn chứ không chỉ khu vực đô thị…”. BĐ Hồng Anh (TP.HCM) nhận xét: “Xe cộ thải ra khói bụi là một phần, các nhà xưởng thải khói bụi cũng rất lớn, ý thức người dân về bảo vệ môi trường chưa cao, đi các vùng ven TP.HCM như Bình Mỹ, Củ Chi; Vĩnh Lộc, Bình Chánh thấy các xưởng mọc lên nhiều”.

Cần nhiều hơn các công nghệ xanh - sạch

Cũng theo ông Sơn, sương mù ô nhiễm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, dễ gây các bệnh về hô hấp, mắt. Do đó, khi xuất hiện hiện tượng này, người dân cần hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời; nếu có nhu cầu ra ngoài cần trang bị khẩu trang, đeo kính che mắt… hạn chế sử dụng nước mưa, tránh để ngoài trời các thiết bị, thực phẩm…
Tuy nhiên, một BĐ than “công việc mỗi ngày đâu có dừng lại, làm sao đây?” và nhiều người khác đồng tình rằng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn mặc dù biết bước ra đường thời điểm này là có thể đối mặt với lớp mù sương ngột ngạt.
BĐ cho rằng việc các đô thị như TP.HCM có “đông xe cộ, nhiều nhà máy” là một phần của câu chuyện phát triển, không thể tránh được. Vấn đề là cần những giải pháp công nghệ xanh - sạch để khắc phục khâu khí thải và phải có nhiều hơn những giải pháp xanh - sạch như vậy. BĐ Tuấn (TP.HCM) viết: “Chuyện xe cộ đông đúc, các nhà xưởng mọc lên nhiều chỉ là một phần, vấn đề là khí thải, chất thải từ các khu công nghiệp, nhà máy đã “đạt tiêu chuẩn chưa, được xử lý đúng cách chưa, an toàn chưa?”…
Một nhà máy chỗ tôi ở cách trung tâm TP chỉ vài ki lô mét nhưng mấy chục năm qua vẫn xả khói đen mù mịt hằng ngày, người dân sống xung quanh chỉ biết “than trời”.
Phạm Phương (TP.HCM)
Chắc nên về quê mà sống chăng?
Xuân Hòa (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.