Mong Đoàn huy động nguồn vốn để hỗ trợ thanh niên

27/04/2017 17:55 GMT+7

Thanh niên tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp của bạn trẻ trên mọi miền đất nước hướng về ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 11…

Cần sự phối hợp với ban ngành
Thực tế trong thực hiện cho thấy, có những công việc, hoạt động của tổ chức Đoàn rơi vào đúng thời điểm các hoạt động mà Sở GD tổ chức khiến công tác tổ chức dưới cơ sở nhiều khi lúng túng. Sinh hoạt Đoàn cũng cần thiết và quy định của đơn vị chủ quản không thể không thực hiện. Theo tôi, tổ chức Đoàn nên có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý các ngành để các hoạt động không dồn dập, không bị trùng thời điểm khiến khó thực hiện, khó tham gia. Chỉ có như vậy thì các công tác tổ chức mới có thời gian chuẩn bị, phong trào mới đạt hiệu quả thiết thực.
Ngoài ra, thời gian sắp tới, tổ chức Đoàn nên nâng cao chất lượng đoàn viên cốt cán, khuyến khích Đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động xã hội và cần xây dựng các chương trình hướng dẫn kỹ năng để truyền lại cho các thành viên trong tổ chức Đoàn.
Huỳnh Ngọc Anh Tuấn
Trợ lý thanh niên Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM
Bích Thanh (ghi)
Cần tính thực tiễn cao hơn
Về công tác giáo dục cho thanh niên, nên xây dựng thành một chương trình lồng ghép chính trị, tư tưởng trong tình hình mới. Hiện nay, tình hình chính trị thế giới và trong khu vực có nhiều thay đổi. Thay vì việc báo cáo, nghị quyết, giáo điều thì cần đánh giá nhu cầu thực tế của thanh niên. Tập trung khai thác lòng yêu nước, yêu quê hương, đất nước. Từ đó lựa chọn những đội ngũ vững về chính trị, giỏi về chuyên môn và có những hành động cụ thể ở địa phương để tiếp tục giáo dục về mặt chính trị tư tưởng. Không nên dạy tư tưởng, chính trị tràn lan gây cảm giác nặng nề cho giới trẻ.
Công tác giáo dục nên gắn liền với phong trào nhằm giúp thanh niên có được môi trường ứng dụng những kiến thức đã học và trong thực tiễn. Ngược lại, những phong trào sẽ mang tính thực tiễn cao hơn. Hiện nay, văn kiện chỉ chú trọng giáo dục về mặt tư tưởng, chính trị, lý tưởng cách mạng. Nhưng phong trào lại đòi hỏi tính thực tế, hiệu quả cao, có những phong trào có nội dung thời sự rất cao như: bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy để phong trào được xuyên suốt và công tác giáo dục mang tính ứng dụng, giảm nhẹ tính giáo điều, tư tưởng. Nên có các công tác giáo dục nghiên cứu, ứng dụng các mô hình, giải pháp cho các vấn đề xã hội quan tâm như: môi trường, giao thông, biến đổi khí hậu… để khi phát động phong trào, thanh niên sẽ được hỗ trợ thêm về mặt ứng dụng, áp dụng những kiến thức đã học và đưa sản phẩm vào thực tế cuộc sống. Để từ đó thanh niên có thể phát triển thành hoạt động khởi nghiệp.
Đoàn Minh Chí
Trung tâm vận tải hành khách công cộng TP.HCM
Đăng Nguyên (ghi)
Cần tạo động lực phấn đấu cho sinh viên
Trong văn kiện nêu rất nhiều vấn đề, nên chăng chỉ tập trung vào một số nội dung trọng yếu. Ví dụ ở mảng kỹ năng, các trường ĐH giờ đang áp dụng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO. Các kỹ năng cần thiết cho sinh viên đã được đưa vào chương trình đào tạo ĐH và được rèn luyện thường xuyên thông qua các bài học, bài tập của từng môn học. Các kỹ năng này cũng có 1 lộ trình tăng dần qua các môn học cụ thể.
Vì vậy, vai trò của Đoàn không phải là chuyện trang bị kỹ năng nữa mà là đẩy mạnh để giảng viên trẻ dạy tốt và tâm huyết theo đúng chương trình. Đặc biệt là tạo động lực cho sinh viên phấn đấu học tập.
Tương tự là câu chuyện khởi nghiệp. Tôi nghĩ rằng, thay vì tính tới việc tìm kiếm nguồn vốn cho các dự án khởi nghiệp thì nên đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, làm dịch vụ hỗ trợ để hỗ trợ cho người trẻ.
Nguyễn Văn Toàn
Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM
Hà Ánh (ghi)
Huy động nguồn vốn hỗ trợ thanh niên
Theo mong muốn của riêng tôi, trong thời gian tới tổ chức Đoàn, mà cụ thể là T.Ư Đoàn cần tạo thêm nhiều diễn đàn, hội nghị về các vấn đề khởi nghiệp, giúp thanh niên biết cách kinh doanh, làm giàu.
Theo đó, tổ chức Đoàn cần nâng cao chất lượng tri thức và tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh liên quan đến vấn đề khởi nghiệp, làm giàu nhằm kích thích khả năng tư duy, sáng tạo ra những ý tưởng lập nghiệp mới lạ của giới trẻ. Song song đó, Đoàn phải huy động được nguồn vốn “đủ mạnh” nhằm hỗ trợ cho thanh niên có những ý tưởng lập nghiệp khả thi.
Ngoài ra, Đoàn cũng cần tạo thêm nhiều câu lạc bộ trẻ dành cho thanh niên; thường xuyên tổ chức những buổi tọa đàm gặp mặt và giao lưu với các doanh nhân thành đạt để họ chia sẻ cho bạn trẻ những kinh nghiệm, kiến thức thực tế về vấn đề lập thân, lập nghiệp.
Nguyễn Hông Ân
đang khởi nghiệp, ngụ tại TP.HCM
Lê Thanh (ghi)
Giúp người trẻ định hướng đúng cho tương lai
Rất nhiều sinh viên tôi có dịp gặp và làm việc có định hướng mờ nhạt hoặc chưa hề có ý định về những bước đi sắp tới cho tương lai của mình, thậm chí là sinh viên năm cuối. Một số sinh viên đang “sống” cho ước mơ của bố mẹ, thay vì ước mơ của chính mình. Điều này dẫn đến sự sụt giảm về hứng thú, gia tăng về áp lực trong công việc và cuộc sống của các bạn.
Tôi hy vọng người trẻ sẽ mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ quan điểm, trình bày ước mơ của mình và các bạn xứng đáng được lắng nghe, trân trọng và tạo điều kiện trải nghiệm những ước mơ đó từ chính gia đình, thầy cô, tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên và các ban ngành xã hội có liên quan.
Tôi kỳ vọng nhiều vào sự đổi mới trong chương trình giáo dục đào tạo ở các bậc học, đồng thời trường ĐH, vốn được xem như một trong những “cánh cửa quan trọng và cuối cùng” dẫn lối vào đời, cần có những cải tiến thiết thực hơn về chương trình đào tạo, sao cho vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, vừa giúp người học hiện thực hóa ước mơ của mình. Rút ngắn chương trình học hay thay đổi theo chương trình các trường nước ngoài... chỉ là những giải pháp mang tính tham khảo; điều quan trọng nhất là sinh viên học được gì, dùng được gì từ những điều đã học cho tương lai của các bạn sau này. Hy vọng một ngày không xa, người trẻ có thể sống thật, sống đúng và sống tốt với ước mơ và đam mê của chính mình!
Dưới tác động không ngừng của mạng xã hội, người trẻ ngày nay càng dành nhiều thời gian chia sẻ cảm xúc, hình ảnh, khoảnh khắc của mình trong không gian ảo, hơn là quan tâm đến những thực tại đang xảy ra xung quanh. Mỗi khi tham gia các sự kiện được tổ chức dành cho sinh viên, tôi quan sát và nhận ra không ít các bạn đến tham gia chỉ để có vài tấm hình “sống ảo” và làm báo cáo thành tích. Điều này không chỉ thường thấy tại sinh viên đến tham gia chương trình, mà ngay cả trong nội bộ ban tổ chức cũng tồn tại những thành viên có xu hướng sống “ảo” hơn “thật” như vậy.
Về lâu dài, vấn đề này ảnh hưởng đến việc hình thành nếp sống, tính cách cũng như chi phối thái độ của các bạn đối với những người xung quanh. Mong rằng người trẻ cần định hình rõ hơn về vai trò của cuộc sống “ảo” trên mạng xã hội đối với đời sống thực của bản thân mình, từ đó thay vì bị mạng xã hội “dẫn dắt” như ngày nay, các bạn sẽ chủ động hơn trong quản lý thời gian, sắp xếp kế hoạch học tập, làm việc và giải trí để hướng đến đam mê của mình, đóng góp tích cực hơn cho gia đình và xã hội.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu
Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM
Mỹ Quyên (ghi)
Tạo việc làm cho thanh niên
Tôi cho rằng công tác Đoàn hiện nay chỉ sôi nổi ở các thành phố lớn, các khu trung tâm còn các vùng nông thôn, đặc biệt là miền núi thì sinh hoạt Đoàn vẫn chưa được trú trọng nhiều. Để các hoạt động phong trào mang tính đồng bộ rất cần phát triển công tác Đoàn ở các vùng khó khăn. Càng khó khăn thì công tác Đoàn càng phải mạnh nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm và định hướng tư tưởng cho thanh niên. Đồng thời, phải tăng cường các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên. Các đơn vị đoàn cơ sở cần tăng cường chức năng hỗ trợ, giám sát thanh niên tại những khu vực khó khăn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp thanh niên có lối sống lành mạnh.
Nguyễn Minh Dũng
Trưởng thôn Yên Xuyên, H.Vĩnh Tường, T. Vĩnh Phúc
Lam Ngọc (ghi)
3 cách giúp thanh niên nông thôn khởi nghiệp
Thứ nhất, thanh niên nông thôn là nhóm đối tượng đặc thù, trình độ và nhận thức còn nhiều hạn chế, nên cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền một cách trực quan, thay vì chỉ phát tài liệu, truyền thông lý thuyết. Với thanh niên nông thôn, nếu kết nối họ được gặp gỡ, trực tiếp tham quan các mô hình, doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, để học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, sẽ hiệu quả hơn là các hội thảo, hội nghị có hạn chế về không gian, không khí mang tính chất hành chính.
Thứ hai, để khởi nghiệp, lập nghiệp được thông qua các mô hình sản xuất phát triển kinh tế thì cần có vốn. Nhưng ở giai đoạn mới trưởng thành, thanh niên gần như không có vốn, đa phần những bạn trẻ bước đầu triển khai dự án, ý tưởng phát triển các mô hình kinh tế là dựa vào vốn từ bố mẹ, sự hỗ trợ từ gia đình, nhưng thực tế số này không nhiều. Tổ chức Đoàn cần là cầu nối để giúp đỡ thanh niên tiếp cận các chương trình, quỹ vay vốn với lãi suất ưu đãi.
T.Ư Đoàn nên có sự phối hợp với ngành ngân hàng để tạo ra cơ chế, Đoàn thanh niên các cấp cũng có thể phối hợp cùng các chi nhánh ngân hàng trong thẩm định, cho vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp.
Trên thực tế, Đoàn thanh niên các cấp cũng vận động thanh niên tự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau về vốn vay ưu đãi, thông qua hình thức cho vay con giống, hỗ trợ về tư liệu, thậm chí là giúp các gói vay trực tiếp bằng tiền. Tổ chức Đoàn nên có định hướng, giúp giữa người cho vay và người được vay thỏa thuận tạo ra mức lãi suất phù hợp, thấp hơn lãi suất ngân hàng, để huy động được nguồn tài chính nhiều hơn trong nhóm thanh niên niên khởi nghiệp.
Thứ ba là hỗ trợ thanh niên chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Thanh niên nông thôn không có nhiều điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu về công nghệ kỹ thuật mà tự mày mò, học hỏi là chính. Hiện tại ở Bắc Giang, Tỉnh đoàn đã có liên kết với Sở KH - CN tỉnh Bắc Giang tổ chức các hội thảo khoa học đầu bờ, trực tiếp trên đồng ruộng, hướng dẫn cho thanh niên nông thôn. Mỗi năm chỉ tổ chức được 5 lớp, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của thanh niên, nhưng hiệu quả đạt được rất thiết thực. Thanh niên áp dụng kỹ thuật mới, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và có thu nhập nhiều hơn so với trước đây. T.Ư Đoàn nên xây dựng, kết nối với các nhà khoa học, xây dựng hệ thống dữ liệu chuyên gia khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu mối các đơn vị khoa học công nghệ… giúp các tỉnh, thành đoàn có thể khai thác sử dụng khi cần tổ chức các hoạt động chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho thanh niên nông thôn. Bên cạnh đó, thanh niên khi có nhu cầu thông tin về khoa học, tham vấn ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực đang lao động, sản xuất, cũng có thể tự mình kết nối trực tiếp.
Vũ Tuấn Anh
Phó trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị, Tỉnh đoàn Bắc Giang
Phan Hậu (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.