Một số bộ ngành chưa nỗ lực, quyết tâm giải quyết kiến nghị cử tri

21/05/2018 04:36 GMT+7

Hôm nay 21.5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa 14 khai mạc tại Hà Nội. Kỳ họp sẽ kéo dài đến hết ngày 15.6 với nhiều nội dung quan trọng.

Trong phiên khai mạc, Chính phủ sẽ trình báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018. QH sẽ nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kiểm toán quyết sách ngân sách nhà nước...
Theo báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, QH khóa 14 dự kiến sẽ được Ban Dân nguyện của QH báo cáo tại kỳ họp thứ 5 của QH, thông qua 1.383 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp đã tiếp nhận 2.099 kiến nghị của cử tri. Trong đó có 72 kiến nghị về hoạt động của QH, 1.993 kiến nghị về công tác điều hành của Chính phủ (chiếm 95%), 23 kiến nghị đối với TAND, Viện KSND tối cao.
Trong số 1.993 kiến nghị cử tri gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành đã có 1.474 kiến nghị được trả lời bằng việc cung cấp thông tin cho cử tri (chiếm 73,96%), 162 kiến nghị được tiếp thu, giải quyết xong và còn 357 kiến nghị đang được nghiên cứu để giải quyết. Bên cạnh đó, trong số 570 kiến nghị tồn đọng qua nhiều kỳ họp, đến nay đã có 178 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin và 143 cử tri đã được giải quyết xong. 357 kiến nghị vẫn đang trong quá trình giải quyết có nội dung liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung 101 văn bản, thuộc thẩm quyền giải quyết của một số bộ.
Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, công tác giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các bộ, ngành đã có sự thay đổi, chuyển biến rõ rệt về chất lượng giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi tới kỳ họp thứ 4 còn nhiều hạn chế. Có tới 43/59 đoàn đại biểu QH nhận xét, vẫn còn hiện tượng một số bộ, ngành chưa thực sự nỗ lực, quyết tâm trong giải quyết một số vấn đề cụ thể mà cử tri nêu.
Phải thu hồi triệt để tài sản thất thoát
Về tình hình kinh tế - xã hội đầu năm 2018, báo cáo cho biết công tác xây dựng thể chế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Công tác thanh tra được triển khai theo kế hoạch; nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm được chỉ đạo xử lý, được dư luận đồng tình, ủng hộ như các vụ việc AVG, đất đai tại Đà Nẵng… Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng. “Tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, tập đoàn dầu khí”, báo cáo dẫn chứng.
Chính phủ cũng thừa nhận, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra chưa cao. Tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài diễn ra tại nhiều địa phương. Do vậy, những tháng còn lại sẽ phải tiếp tục công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực... Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng. Kết luận thanh tra và xử lý sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ; thu hồi tài sản bị thất thoát.
Về kinh tế, Chính phủ cho biết tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức cải thiện ấn tượng ở cả tổng cung và tổng cầu, tốc độ tăng GDP quý 1 ước đạt 7,38%, mức tăng cao nhất của quý 1 trong 10 năm qua. Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Về xuất nhập khẩu, 4 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 144,13 tỉ USD, tăng 14,5% so cùng kỳ năm 2017. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện khi nhiều bộ ngành đã rà soát, có phương án cắt giảm khoảng 50% điều kiện đầu tư kinh doanh…
Thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro
Báo cáo của Chính phủ cũng nhìn nhận thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, có hiện tượng đầu cơ, giá đất nền tăng cao trong thời gian ngắn, đặc biệt tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh). Con số doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động vẫn giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2017 khi đạt 11.442 DN. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 4.699, tăng 15,8%. Số lượng DN thành lập mới có tăng song chủ yếu là DN nhỏ và vừa, chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh còn thấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.