Mua rừng để phòng hộ

29/08/2016 06:30 GMT+7

212 ha rừng phi lao hơn 20 năm tuổi đang vào thời kỳ khai thác đã được UBND TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đề xuất mua lại để phòng hộ, chắn gió cát, tạo “lá phổi xanh” cho thành phố.

Rừng phi lao ven biển này được trồng bởi Hợp tác xã nông nghiệp kinh doanh tổng hợp 2 (HTX) P.9, TP.Tuy Hòa. Theo ông Trần Đình Quang - Giám đốc HTX, trước năm 2000, hằng năm UBND tỉnh Phú Yên cho phép khai thác khoảng 20 - 25 ha rừng phi lao trồng ven biển để có nguồn thu chi trả công quản lý, bảo vệ rừng và chia vốn góp cho xã viên. Nhưng kể từ năm 2001 đến nay, UBND tỉnh Phú Yên không cho khai thác nữa mà chỉ được nhận tiền đền bù cây phi lao khi nhà nước thu hồi đất để giao cho các dự án.
Ông Quang cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, không có diện tích thu hồi, đền bù nên hằng năm HTX phải chi hơn 200 triệu đồng để thực hiện chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng trồng này, trong khi mức hỗ trợ của nhà nước 100.000 đồng/ha/năm là quá thấp”. Chính vì thế, HTX đã xin phép UBND TP.Tuy Hòa cho khai thác mỗi năm khoảng 10 ha để tạo nguồn thu.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, qua kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, thì diện tích rừng phi lao do HTX trồng và quản lý, là rừng sản xuất nên HTX được tự quyết định khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế khu rừng này đã có tác dụng phòng hộ, chắn gió, chắn cát bay, đồng thời tạo cảnh quan môi trường cho TP.Tuy Hòa.
Chờ quyết định tập thể
Vì thế, ông Nguyễn Lương Sinh, Phó chủ tịch UBND TP.Tuy Hòa, đã có ý tưởng mua lại rừng phi lao này để làm rừng phòng hộ cho thành phố. Ông Sinh lý giải việc vì sao phải mua lại rừng: “Rừng phi lao ven biển ngoài đảm bảo an ninh, quốc phòng còn là rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát, đồng thời bảo vệ sản xuất nông nghiệp, các khu dân cư và các công trình ven biển. Ngoài ra, rừng phi lao ven biển còn tạo cảnh quan môi trường, phục vụ du lịch biển của thành phố”.
Theo ông Sinh, để tạo điều kiện cho HTX thu hồi vốn đầu tư và có kinh phí tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc rừng, UBND TP.Tuy Hòa đề nghị UBND tỉnh Phú Yên hằng năm cân đối ngân sách, cho phép và hỗ trợ UBND TP.Tuy Hòa mua lại khoảng 50 ha/năm, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, còn lại 30% là ngân sách của TP.Tuy Hòa. Sau khi mua lại rừng, tiếp tục giao cho HTX quản lý, chăm sóc, bảo vệ và được hưởng khoản hỗ trợ của nhà nước về chăm sóc, bảo vệ rừng hằng năm.
Đề xuất của ông Sinh đã khiến các sở, ngành của tỉnh Phú Yên tranh cãi. Ông Nguyễn Đồng Tây, Phó giám đốc Sở KH-ĐT đồng ý việc UBND TP.Tuy Hòa mua lại rừng nhưng cho rằng việc thành phố đề xuất tỉnh hỗ trợ 70% để mua lại rừng là không phù hợp, vì ngân sách tỉnh không có nguồn để hỗ trợ. Ông Tây đề nghị UBND TP.Tuy Hòa chủ động ngân sách, huy động các nguồn vốn khác của địa phương trong việc mua lại rừng. Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết cá nhân ông thống nhất quan điểm của UBND TP.Tuy Hòa mua lại rừng phi lao để làm nhiệm vụ phòng hộ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí cho UBND TP.Tuy Hòa mua rừng, thì phải chờ tập thể UBND tỉnh Phú Yên quyết định.
Nhìn nhận về khía cạnh lợi ích của rừng phi lao này, ông Huỳnh Lữ Tân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho rằng nếu cho phép HTX khai thác 212 ha rừng phi lao đã đến hạn này thì lợi nhuận thu được khoảng 3,6 - 4,2 tỉ đồng (17 - 20 triệu đồng/ha). Trong khi đó, suất đầu tư trồng mới rừng phòng hộ ven biển hiện nay từ 53 - 57 triệu đồng/ha. Nếu trồng mới cho 212 ha rừng thì chi phí từ 11,2 - 12 tỉ đồng nhưng phải mất một khoảng thời gian dài thì cánh rừng trồng mới này mới đảm bảo được chức năng chắn gió, chắn cát. “Việc đề xuất giữ lại rừng phi lao ven biển của UBND TP.Tuy Hòa là cần thiết, đề nghị UBND tỉnh xem xét, cân đối ngân sách hỗ trợ cho TP.Tuy Hòa mua và giữ lại cánh rừng phi lao này”, ông Tân đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.