Nghèo vẫn phải mổ dịch vụ

07/08/2016 06:48 GMT+7

Ngành y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện (BV) làm giường dịch vụ không quá 30%, còn mổ dịch vụ thì cho đến bây giờ chẳng có một quy định nào nên các BV muốn mổ bao nhiêu thì mổ.

Với bệnh nhân có điều kiện kinh tế, việc bỏ thêm ít tiền để mổ hay khám dịch vụ nhanh hơn không phải là vấn đề lớn. Nhưng với bệnh nhân nghèo thì đây là chuyện không hề nhỏ, họ phải “cắn răng” để ký cam kết mổ dịch vụ.
Hơn 20 năm trước, ngành y tế TP.HCM khuyến khích các bệnh viện (BV) làm giường dịch vụ không quá 30%, còn mổ dịch vụ thì cho đến bây giờ chẳng có một quy định nào nên các BV muốn mổ bao nhiêu thì mổ.
Vay “nóng” đóng lãi 30%/tháng để mổ dịch vụ
3 giờ chiều 25.7, bệnh nhân Đ.H.Tr (27 tuổi, ngụ Bạc Liêu) được đưa vào Khoa Gây mê hồi sức BV Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM) nằm chờ chuẩn bị mổ dịch vụ.
Người nhà bệnh nhân Tr. kể, cách đây 2 tháng anh bị ngã xe máy trên cầu treo, chân phải đập vào cây sắt làm mẻ xương đầu gối, được đưa vào BV Bạc Liêu bó bột. Xuất viện về nhà được một tháng, vẫn còn đau nên anh trở lại BV và được chuyển lên BV Chấn thương chỉnh hình với chẩn đoán gãy hai mâm chày chân phải.
Anh Tr. vào BV Chấn thương chỉnh hình ngày 21.7, được cho làm các xét nghiệm và điều trị. Theo người nhà, BV cho anh Tr. ra một cơ sở bên ngoài chụp MRI hết 1,3 triệu đồng. Ngày 24.7 anh Tr. quay lại BV Chấn thương chỉnh hình thì được bác sĩ tư vấn mổ dịch vụ và mổ chương trình; mổ chương trình thì phải chờ. Do vậy người nhà chọn mổ dịch vụ và anh Tr. được mổ ngay ngày hôm sau.
“Bác sĩ nói đóng 6,6 triệu đồng tiền mổ, tiền này sẽ không trả lại và ứng thêm 8 triệu đồng, số này sau khi tính viện phí nếu dư sẽ trả lại”, bà Nh., mẹ của anh Tr. nói và cho biết thêm: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên được nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) diện hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh. Nhà không có cục đất chọi chim, quanh năm làm thuê, làm mướn. Tiền chạy chữa cho con cũng mượn bà con mỗi người một chút, không đủ còn phải vay “nóng” thêm 10 triệu đồng và đóng lãi đến 30%/tháng”.

tin liên quan

Giám đốc bệnh viện lên tiếng việc từ chối mổ cho người viết báo
(TNO) Trước thông tin một bệnh nhân ở Hà Tĩnh bị Giám đốc Bệnh viện phụ sản T.Ư từ chối mổ cấp cứu vì làm báo, trao đổi với báo giới chiều nay 24.3, bác sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện phụ sản T.Ư khẳng định ông đã làm đúng luật khám chữa bệnh.
Mổ bảo hiểm y tế thì... chờ
Cuối tháng 7, tại BV Ung bướu, bà H. (69 tuổi, quê Tiền Giang) nằm chờ ở phòng tiền phẫu nữ khoa ngoại 3. Con gái bà ngồi trước cửa phòng chờ than thở mẹ bị bướu cổ hơn tháng nay, đi lên đi xuống, qua cả BV khác làm xét nghiệm nhiều lần. Lần này bà nhập viện nhưng chờ bao lâu nữa mổ thì không biết! Chúng tôi hỏi sao không mổ dịch vụ cho nhanh? Người con gái nói “gia đình khó khăn nên phải chịu thôi!”.
Còn bệnh nhân M., từ Tây Ninh đến, bị u buồng trứng, đã mổ được một tuần trước đang nằm ở khoa ngoại 1. Trước đó bà M. đã được chuyển qua khoa vệ tinh của BV Ung bướu đặt tại BV Q.2 chờ hết 2 tuần. Nhân viên y tế tư vấn cho gia đình chọn mổ dịch vụ hoặc mổ theo BHYT. Nhưng chờ đợi cộng với đi lại mệt mỏi, nếu mổ BHYT không biết phải chờ đến bao giờ nên gia đình bà M. chọn mổ dịch vụ.
Tại BV Nhân dân Gia định, mới đây bệnh nhân P. (Q.Bình Thạnh) đến khám vì đau bụng. Sau khi khám bà được chỉ định nhập viện để mổ sỏi túi mật. Theo lời bà P., tại đây gia đình có hỏi bác sĩ mổ dịch vụ và BHYT cái nào nhanh hơn. Bác sĩ bảo mổ dịch vụ nhanh hơn nên gia đình đồng ý mổ dịch vụ cho xong. Chiều cùng ngày sau khi nhập viện, bà P. được đưa vào phòng mổ.
Nói về chuyện vì sao mổ bình thường phải lại chờ đợi, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu giải thích: “Hiện, số chờ phẫu thuật là 1.400 bệnh nhân, với thời gian chờ mổ trung bình là 2 tuần đến 1 tháng đối với ung thư và 1 - 3 tháng đối với bướu lành. Việc chờ đợi lâu để được khám và điều trị sẽ gây ảnh hưởng về tâm lý, chuyên môn, nhất là với các bướu ác tính. BV đã rất nỗ lực giải quyết sớm các trường hợp phẫu thuật, tuy nhiên một số trường hợp do bệnh lý phức tạp đòi hỏi nhiều thời gian đánh giá, chẩn đoán. Bên cạnh đó, do phải ưu tiên giải quyết các trường hợp bệnh nặng và bệnh ác tính nên các bệnh nhân có bướu lành phải chờ lâu hơn”.
Nhưng có bác sĩ gợi ý bệnh nhân mổ dịch vụ cho nhanh? “Trong quá trình thăm khám bệnh, các bác sĩ có nhiệm vụ tư vấn cho bệnh nhân về các phương pháp điều trị, về các lựa chọn điều trị. Bệnh nhân có quyền chọn được phẫu thuật chương trình hoặc phẫu thuật ngoài giờ. Khi bệnh nhân đồng ý tham gia mổ ngoài giờ, bệnh nhân sẽ được tư vấn, ký giấy đồng ý tham gia... Có lẽ do bác sĩ không giải thích rõ nên bệnh nhân hiểu nhầm là bác sĩ gợi ý...”, bác sĩ Tuấn nói.
Mổ dịch vụ đến... 70%
Hồi giữa tháng 7.2016, Bộ Y tế ban hành dự thảo Thông tư quy định về tổ chức hoạt động dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để lấy ý kiến và dự kiến ký ban hành vào ngày 1.10 tới đây. Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của thông tư này chỉ quy định áp dụng với khám theo yêu cầu, phòng ốc và các dịch vụ, kỹ thuật y tế chất lượng cao. Thông tư không có chữ nào đề cập đến việc mổ dịch vụ ở các BV, tỷ lệ cho phép là bao nhiêu phần trăm, tổ chức ra sao... Như vậy, vấn đề mổ dịch vụ vẫn đang nằm ngoài luật và các BV muốn làm bao nhiêu thì làm, sẽ còn người bệnh nghèo phải vay mượn tiền để đóng cho dịch vụ ở BV công.
Năm 2013, 2015, Sở Y tế TP.HCM có hai công văn liên tiếp về chấn chỉnh làm dịch vụ trong BV công, trong đó có mổ dịch vụ, nhiều BV mổ luôn trong giờ hành chính. Nhưng Sở cũng chỉ “nhắc nhở” là hạn chế mổ dịch vụ trong giờ hành chính và công khai minh bạch, còn BV có mổ nhiều hay ít thì chỉ có... trời mới biết được.
Theo thống kê, 5 tháng đầu năm 2016 cho thấy các BV chuyên khoa tại TP.HCM, mổ dịch vụ (tính luôn ngoài giờ hành chính của các ngày thường và thứ bảy, chủ nhật) thì tỷ lệ mổ dịch vụ lên đến... 70%. Điều đó cho thấy các BV tăng cường mổ ngoài giờ hết công suất!
Nên tách bạch công, tư rõ ràng
Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam (giảng viên Trường đại học Y Dược TP.HCM), việc một số BV công cho rằng mổ dịch vụ để giảm quá tải là ngụy biện, mà phải nói mổ dịch vụ, làm dịch vụ để nâng cao đời sống cho y bác sĩ thì đúng hơn. “Có BV mổ dịch vụ lên đến mấy chục phần trăm, theo tôi là không được. Nếu có chăng mổ dịch vụ trong BV công chỉ nên dừng ở mức 20%. Còn với mọi tình huống cấp cứu không được lợi dụng “hướng” người bệnh sang mổ dịch vụ mà phải mổ theo chương trình nhà nước, BHYT”, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam nói.
“Theo tôi nên tách bạch BV công, tư rõ ràng. Làm gì thì làm, y tế công cũng phải nghĩ tới số đông người nghèo, nếu không mất hết ý nghĩa trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”, PGS-TS Nam nói.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch thường trực Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM cũng cho rằng nên tách bạch BV công ra công, tư ra tư. Bởi vì, BV công (được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị từ tiền thuế của dân) lại đem khai thác làm dịch vụ (từ mổ xẻ đến khám chữa bệnh) lấy thêm tiền của dân một lần nữa, việc này nhập nhèm tư trong công. Làm dịch vụ là một dạng kinh doanh, khi đó người ta sẽ có những chiêu thức để phát triển kinh doanh. “Có những BV công làm xã hội hóa, đầu tư thêm máy móc cho khâu dịch vụ. Để mau thu hồi vốn, để tăng doanh thu thì cán bộ y tế, bác sĩ ở đó sẽ “mời chào”, “tiếp thị” thậm chí “ép” người bệnh bước qua khu dịch vụ - một kiểu cạnh tranh giữa dịch vụ và BHYT ngay trong một BV công, sự cạnh tranh này không lành mạnh, người chịu thiệt là bệnh nhân. Chính vì vậy, nhiều bác sĩ ra trường muốn làm trong BV công để làm dịch vụ dễ kiếm tiền hơn. Do vậy, hiện nay, nhiều BV công muốn được quá tải, khi đó, họ sẽ hướng bệnh nhân bước qua làm dịch vụ để tăng doanh thu”, bác sĩ Tùng nói.
Thanh Tùng
Chấn chỉnh dịch vụ "đóng tiền để được mổ sớm"
PGS-TS Lương Ngọc Khuê Ảnh: Ngọc Thắng
       
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám bệnh, chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: Giám đốc các BV là người chịu trách nhiệm trước tiên về các hoạt động của BV mình: về quản trị chung, về tổ chức thực hiện các quy trình, quy định chuyên môn (tổ chức cấp cứu, phân loại điều trị theo chuyên khoa...). Với các trường hợp cần can thiệp ngoại khoa (phẫu thuật) cũng vậy, nếu trường hợp cấp cứu phải được mổ ngay, còn bệnh nhân mổ phiên thì cần được thông báo, xếp lịch rõ ràng để người bệnh được biết. Cái gì không minh bạch là có thể gây tiêu cực. Việc mổ ngay (cấp cứu) hay mổ phiên cũng đều căn cứ trên quy chế chuyên môn để xác định tình trạng bệnh, xử trí kịp thời vì liên quan đến tính mạng người bệnh.
BV phải tổ chức đảm bảo minh bạch, phân định công, tư: không được mổ dịch vụ trong giờ làm việc; phải hạch toán tài chính độc lập, minh bạch, có cơ chế kiểm tra, giám sát. Các BV cần thành lập một đơn vị cung cấp dịch vụ theo yêu cầu riêng biệt chứ không thể tồn tại “hai trong một” ngay trong các khoa phòng, dễ dẫn đến nhập nhèm công tư, dễ dẫn đến lạm vào giờ làm việc công, rồi còn là vấn đề tận dụng trang thiết bị, máy móc.
Bộ Y tế có quy định nào về mức phí với dịch vụ mổ sớm không, thưa ông?
Tôi khẳng định, Bộ Y tế không có quy định nào về việc bệnh nhân nộp tiền thì được mổ trước, không có tiền nộp thì mổ sau và không bao giờ chấp nhận bệnh nhân được ưu tiên điều trị trước chỉ vì họ có tiền. Trong mọi tình huống, an toàn người bệnh, tính mạng người bệnh phải là trên hết. Bộ Y tế sắp có hội nghị riêng về an toàn người bệnh, về việc triển khai các dịch vụ trong BV, trong đó có chấn chỉnh về dịch vụ "đóng tiền để được mổ sớm".
Liên Châu (thực hiện) 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.