Người lãnh đạo phải gương mẫu nói không với tham nhũng

08/07/2017 07:32 GMT+7

Ngày 7.7, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa 14 TP.HCM (đơn vị số 1) đã tiếp xúc cử tri các quận 1, 3, 4 (TP.HCM).

Tài sản “khủng” của quan chức có chính đáng ?
Đề xuất mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (Q.3) cho hay việc Thủ tướng Chính phủ quyết định dừng các công trình trong sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất khiến người dân xúc động. “Không còn đặt vấn đề nên giữ sân golf hay không nữa, mà phải dùng nó mở rộng sân bay sao cho thuận lợi, đem lại lợi ích nhất và đáp ứng sự hài lòng của người dân thông qua cơ chế dân chủ: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra...”, ông Châu nói.
Cử tri Lê Viết Hải (Q.4) cho hay dư luận đang xôn xao về khối tài sản gồm biệt thự, nhà sàn, cầu treo, hồ nước... được cho là thuộc sở hữu của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở
TN-MT Yên Bái. Đáng chú ý, ngoài cơ ngơi siêu khủng nằm ở vị trí đắc địa thì thông tin về việc biến đổi mục đích sử dụng của 13.000 m2 đất trong vòng 1 ngày khiến dư luận quan tâm.
“Quan chức thì ai cũng biết họ là người ăn lương nhà nước. Cũng có quan chức có nguồn thu nhập chính đáng như tham gia các hoạt động kinh tế, thừa kế tài sản… Thế nhưng với khối bất động sản như trên đã vượt quá suy nghĩ của người dân. Câu hỏi đặt ra là tài sản đó có chính đáng hay không?”, ông Hải hỏi.
Ông Hải nêu thời gian qua tham nhũng phần nào được đẩy lùi, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành. Từ đó, cử tri này kiến nghị cần có biện pháp phòng chống và xử lý nghiêm tham nhũng dù đối tượng tham nhũng là cán bộ cấp cao.
Cử tri Dương Xuân Viện (Q.4) đặt vấn đề việc xử lý những tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng của ngành công thương mà báo chí phản ánh thời gian gần đây đã được giải quyết đến đâu.
Xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực
Thay mặt đơn vị số 1, Đoàn ĐBQH TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Đảng và Nhà nước luôn xem phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là nhiệm vụ quan trọng và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, công việc này vẫn chưa đạt được như mong muốn bởi tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra rất phổ biến, nguy cơ lan rộng ở một số lĩnh vực.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước có rất nhiều nghị quyết. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong việc phòng chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng cũng thường xuyên họp chỉ đạo, lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát từ T.Ư đến địa phương...
Chủ tịch nước khẳng định để công việc chống tham nhũng có hiệu quả, cần nêu gương, đề cao vai trò của người đứng đầu. Hơn ai hết, những người lãnh đạo, chỉ huy phải nói không với tham nhũng, gương mẫu trong việc thanh tra, thực hiện các nghị quyết của T.Ư. Ngoài ra, cần có chính sách, biện pháp xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng. Những trường hợp nào có đầy đủ bằng chứng vi phạm thì phải kiên quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm minh.
Liên quan đến việc xử lý các dự án thua lỗ kéo dài, trong đó có 12 dự án mà báo chí, cử tri nêu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho hay ngoài 12 dự án này, Chính phủ còn tiếp tục rà soát, phát hiện những dự án không có hiệu quả, thua lỗ kéo dài để xử lý.
“Phải kiên quyết xử lý dứt điểm không để kéo dài. Việc xử lý không để kéo dài sau năm 2020 vì càng để kéo dài, càng thua lỗ thì gánh nặng kinh tế càng đè nặng”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết thêm việc xử lý dự án thua lỗ sẽ căn cứ vào kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra của từng dự án... Điều quan trọng cần làm rõ trách nhiệm những người có liên quan, kiên quyết xử lý nghiêm minh nếu có đủ chứng cứ sai phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.