Nguy hiểm rình rập từ “hồ tử thần”

16/12/2012 03:10 GMT+7

Việc ồ ạt khai thác khoáng sản nhiều nơi ở Tây Ninh đã tạo thành những ao, hồ chết người.

Nguy hiểm rình rập từ “hồ tử thần”
Chị Nguyễn Thị Kim Loan cùng con gái 3 tuổi bên hầm ao nguy hiểm không rào chắn cạnh nhà - Ảnh: Giang Phương

Đã xảy ra nhiều cái chết thương tâm từ những cái hồ để lại sau khi khai thác đất. Chiều 28.10, chị Nguyễn Thị Út (44 tuổi, ngụ tại ấp A, xã Tiên Thuận, H.Bến Cầu, Tây Ninh) đi hái măng ở khu vực gần nhà. Khi không thấy chị trở về, gia đình đi tìm thì phát hiện chị nằm chết dưới hồ nước sâu hoắm do khai thác đất ở cùng ấp. Hồ này rộng khoảng 10 ha, sâu hàng chục mét nhưng không hề được rào chắn, treo biển cảnh báo.

Trước đó, vào tháng 9.2008 tại một hồ rộng gần 6.000 m2, sâu hơn 3 m do một doanh nghiệp khai thác đất để lại ở ấp Trường Thiện, xã Trường Hòa, H.Hòa Thành cũng đã cướp đi sinh mạng 3 học sinh tiểu học (1 nam, 2 nữ) khi tắm ở đây. Hai hồ ở H.Tân Châu và Trảng Bàng cũng cướp đi sinh mạng của 2 người...

Một ấp có đến 5 hồ tử thần

 

Cũng theo ông Huỳnh Thanh Nhàn, khi khai thác đất, lớp đất màu bên trên phải được giữ lại và trả xuống ao, hồ để tái tạo vùng đất. Mặt khác, khi đã đóng mỏ, chủ khai thác phải đảm bảo rào chắn an toàn và trồng cây bao xung quanh bên trong rào chắn để chống sạt lở ra xung quanh. Tuy nhiên, khi PV ghi nhận thực tế, quy định trên cũng không được áp dụng tại nhiều hầm khai thác đất tại các huyện như: Gò Dầu, Châu Thành, Bến Cầu (Tây Ninh), đang bị bỏ hoang nguy hiểm...

Có mặt tại ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, H.Châu Thành (Tây Ninh), PV Thanh Niên ghi nhận có không dưới 5 ao, hồ đang được khai thác lấy đất phún, đất sét đầy nước liền nhau (rộng khoảng 500m2/hồ - PV). Điều đáng nói, những ao, hồ này không được rào chắn và nằm sát khu dân cư. Nhà chị Nguyễn Thị Kim Loan (37 tuổi) nằm cách những hồ đất ngập nước vài mét. Chị Loan bức xúc kể: "Cách đây khoảng 2 tháng, con gái tôi là bé H.A.T (3 tuổi) suýt chết dưới hồ nước này nếu không được người nhà phát hiện kịp thời. Chủ đất họ bán xong rồi bỏ đi đâu mất, giờ mình với hàng xóm lãnh hết hậu quả”.

Chỉ tính riêng 5 xã ở H.Châu Thành (Tây Ninh) có tổng cộng hơn 69 ha đất được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt để khai thác đất phún, đất sỏi. Trong đó chưa kể hàng chục héc ta đất khác do người dân tự khai thác trên địa bàn. Điều này làm cho người dân tại xã Thành Long lo lắng hơn khi chứng kiến con em của họ suýt mất mạng từ những hồ nước này, nhất là vào buổi tối. Ông Huỳnh Văn Lợi, Tổ trưởng tổ 8 - 9 - 10 (ấp Bắc Bến Sỏi) nói: “Hiện tại, những ao, hồ này đang được khai thác đã sâu hoắm khiến người lớn chẳng may rơi xuống cũng khó sống, huống hồ trẻ em”.

Tương tự, tại ấp Long Cường, Long Châu (xã Long Khánh, H.Bến Cầu) cũng tồn tại nhiều ao, hồ sâu hút, ngày càng sạt lở, lấn đất ruộng khiến người dân không dám trồng trọt…

Mất bò mới lo làm chuồng !

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Thanh Nhàn, Phó trưởng phòng TN-MT H.Châu Thành, cho biết theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Tây Ninh, để phục vụ các công trình trọng điểm, huyện được khai thác đất phún tại 5 điểm xã là: Thành Long, Hòa Hội, Phước Vinh, Trí Bình và An Bình với tổng diện tích hơn 69 ha. "Tất cả những điểm khai thác đã được ban ngành của huyện thẩm định vị trí và khi đủ điều kiện mới được UBND tỉnh cấp phép. Cụ thể là đất nghèo không sản xuất hiệu quả; xa khu dân cư; trong quá trình khai thác đất phải thực hiện bảo vệ môi trường; phục hồi đường giao thông khi trung chuyển đất...", ông Nhàn nói.

Giải thích về việc những hầm khai thác đất tại xã Thành Long nằm trong khu dân cư, ông Nhàn cho biết: “Thời điểm chọn đất khai thác là từ năm 2008, lúc đó dân cư thưa thớt đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đến năm 2011 việc khai thác đất mới được cấp phép và đi vào hoạt động nên cũng đã có nhiều thay đổi”. Còn việc không có hàng rào bao quanh khu khai thác đất, theo ông Nhàn, thời gian tới sẽ cho rà soát về những vấn đề trên để kịp thời chấn chỉnh lại.

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.