Những bất ngờ qua 'vụ án Phương Nga': Quyền im lặng của bị can, bị cáo

02/07/2017 10:12 GMT+7

Theo thông lệ của nhiều nước, quyền im lặng là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn, chứng kiến của luật sư (LS) để tránh việc người bị bắt tự buộc tội mình, gây thiệt hại cho bản thân.

Vụ án Hoa hậu Phương Nga sau gần 1 tuần thẩm vấn công khai tại phiên tòa, với nhiều diễn biến bất ngờ xảy ra, theo các chuyên gia pháp luật, đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, nền cải cách tư pháp được thể hiện rõ nhất.
Tất cả những điều bất ngờ tại tòa đều “nhờ” vào việc bị cáo đã sử dụng quyền im lặng của mình từ giai đoạn điều tra đến khi ra tòa (2 ngày đầu tiên của phiên xử) như một cách tự bảo vệ mình. Đồng thời, bị cáo đã trả lời những câu hỏi của HĐXX đúng thời điểm để vụ án được đẩy lên cao trào.
Im lặng không có nghĩa là chống đối
LS Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN) cho biết ở VN, lần đầu tiên quyền im lặng được ghi nhận trong bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS, năm 2015). Cụ thể, tại điểm e khoản 1 điều 58, điểm c khoản 2 điều 59, điểm d khoản 2 điều 60, điểm h khoản 2 điều 61 đều quy định “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang và người bị bắt theo quyết định truy nã; người bị tạm giam, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình hoặc buộc phải nhận có tội”. Theo LS Hậu, với những quy định rõ như trên, chúng ta hiểu quyền im lặng được áp dụng nếu việc khai báo là bất lợi.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM) cho hay lâu nay im lặng, không khai báo được coi là biểu hiện của thái độ ngoan cố, không chịu hợp tác. Ông Sơn nhấn mạnh: “Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, khi quyền im lặng có hiệu lực thi hành đã được bị cáo Trương Hồ Phương Nga áp dụng triệt để và đây có thể xem là trường hợp đầu tiên bị cáo sử dụng quyền này trong lịch sử tố tụng hình sự của VN, để thấy rằng “im lặng” không còn là ngoan cố mà là cách bị can, bị cáo bảo vệ mình trước nguy cơ mớm cung, ép cung”.
Không làm khó cơ quan tiến hành tố tụng
Có ý kiến cho rằng “vụ án Hoa hậu Phương Nga” bị đẩy đến nhiều bất ngờ tại phiên tòa bởi Nga không chịu khai báo từ giai đoạn tại cơ quan điều tra. Chủ tọa phiên tòa từng hỏi Nga về vấn đề này, khi đó Nga khai: “Bị cáo bị điều tra viên mớm cung. Bị cáo không tin vào Viện kiểm sát. Bị cáo sợ nếu khai ra tất cả chứng cứ sẽ bị hủy”.
Nhiều người cho rằng điều hay và bất ngờ của phiên tòa Phương Nga là bị cáo Nga đã khai báo sau 2 ngày im lặng. Nhưng có ý kiến thắc mắc: "Nếu bị cáo sử dụng quyền im lặng, không trả lời câu hỏi của HĐXX thì HĐXX phải làm gì, như vậy có làm khó cho các cơ quan tiến hành tố tụng?". Điều tra viên cao cấp Nguyễn Nhứt (Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao), khẳng định lời khai của bị cáo chỉ là một trong những chứng cứ buộc tội nên khi bị cáo không khai báo sẽ không làm khó người tiến hành tố tụng, nếu các chứng cứ khác vững chắc.
Ông Nhứt nêu: “Khoản 3 điều 309 BLTTHS 2015 quy định “Nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì HĐXX, kiểm sát viên, người bào chữa... tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án”. “Xác định sự thật của vụ án, xác định bị cáo có tội hay không có tội là nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải nghĩa vụ của bị cáo”, ông Nhứt phân tích.
“Một nguyên tắc hay được đề cập đến trong BLTTHS năm 2015 là nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại điều 13, “Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”, ông Nhứt nói và cho biết: “Từ trước đến nay chưa một vụ án nào có thể áp dụng đầy đủ các nguyên tắc này. Hy vọng “vụ án Hoa hậu Phương Nga” có thể làm nên điều đó”.
HĐXX đã trọng cung hơn trọng chứng
Khi phiên tòa sơ thẩm lần 2 (ngày 22.6.2017) xét xử Hoa hậu Phương Nga chưa diễn ra, nhiều người nhận định: Phương Nga và đồng phạm lừa đảo. Bởi chứng cứ có trong hồ sơ mà Viện kiểm sát dùng buộc tội các bị cáo quá rõ ràng: giấy thỏa thuận mua bán nhà, giấy biên nhận giao nhận tiền có chữ ký giả của ông Cao Toàn Mỹ; nhân chứng khai nhận tiền của Nga để làm giấy tờ giả, con dấu giả; Nga thừa nhận đã nhận của ông Mỹ 16,5 tỉ đồng...
Tuy nhiên, qua thẩm vấn, từ lời khai của bị cáo, chủ tọa đã điều khiển, dẫn dắt phiên tòa đúng hướng khi yêu cầu các bên liên quan chỉ hỏi, trình bày đúng trọng tâm vấn đề vụ án rằng có lừa đảo hay không, rồi yêu cầu cách ly xét hỏi, cho đối chất tại tòa, quay lại xét hỏi bổ sung để rồi xuất hiện thêm dấu hiệu thông cung trong vụ án và yêu cầu cung cấp, niêm phong chứng cứ mới tại tòa. Đặc biệt hơn, chủ tọa còn cho phép LS hỏi người mà trước đó không được thẩm phán triệu tập với một tư cách gì (mẹ bị cáo Phương Nga), nhưng vì diễn biến phát sinh tại tòa, chủ tọa đã đồng ý và cho họ trình bày thoải mái, toàn diện. Đây chính là tinh thần tranh tụng được nêu trong Hiến pháp 2013, Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, nhưng lâu nay chưa được áp dụng rộng rãi.   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.